Nước ngập sâu ở xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê. Ảnh: TTXVN phát |
Đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trọng tâm tại các huyện Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu (Nghệ An), Hương Sơn, Vũ Quang (Hà Tĩnh). Tình trạng ngập lụt nghiêm trọng vẫn tiếp tục diễn ra tại các huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) với độ sâu ngập từ 1,0-2,5m . Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2-3.
Dự báo lũ hạ lưu sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt có khả năng đạt đỉnh ở mức 11,1m trên báo động 3 là 0,6m vào trưa nay, sau đó xuống chậm; sông Cả và sông La tiếp tục lên và có khả năng đạt đỉnh vào chiều, tối nay (16/10); thượng lưu sông Ngàn Sâu, sông Gianh và sông Kiến Giang tiếp tục xuống chậm.
Đến chiều, tối nay (16/10), mực nước trên sông Cả tại Nam Đàn lên mức 5,7m, trên báo động 1 là 0,3m; sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm lên mức 11m, dưới báo động 2 là 0,5m; sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ xuống mức 13m, dưới báo động 3 là 0,5m; tại Hòa Duyệt lên mức 10m, trên báo động 3 là 0,5m; sông La tại Linh Cảm lên mức 5,2m, dưới báo động 2 là 0,3m; sông Gianh tại Mai Hóa xuống mức 3,0m, ở mức báo động 1; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy xuống mức 2,7m, dưới mức báo động 3.
* Các địa phương chủ động khắc phục, ứng phó hiệu quả với mưa lũ và bão SarikaNgày 16/10, thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức họp giao ban nhằm ứng phó với tình hình mưa lũ tại các tỉnh Bắc Trung bộ và bão Sarika (bão số 7). Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng chủ trì giao ban.
Để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ tại các tỉnh Bắc Trung bộ và bão Sarika, Thứ trưởng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng đề nghị các tỉnh chịu ảnh hưởng mưa lũ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ nhất là đối với các khu vực đã xảy ra mưa rất to trong thời gian qua; tập trung cứu chữa người bị thương; huy động lực lượng tìm kiếm người bị mất tích, bố trí chỗ ở tạm cho những hộ gia đình có nhà bị sập, đổ, ngập; giúp nhân dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường.
Huy động lực lượng, phương tiện san gạt đất, sửa chữa đường sớm khôi phục giao thông; bố trí lực lượng kiểm soát đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, đường ngập nước, đò ngang, đò dọc. Kiểm tra, rà soát kiên quyết di dời dân đang sinh sống tại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Tổ chức kiểm tra các hồ chứa nước nhất là các hồ chứa đã đầy (đang xả tràn) để đảm bảo an toàn cho công trình và dân cư, cơ sở hạ tầng khu vực hạ du; chủ động xả nước các hồ chứa, chỉ tích khoảng 70% dung tích để sẵn sàng đón lũ; đối với các hồ chứa nhỏ cần tăng cường việc trực ban, vận hành, xác định nguy cơ, có cảnh báo kịp thời khi gặp nguy hiểm để di dời dân ra khỏi vùng hạ du, còn đối với các hồ lớn (các cơ quan liên quan phối hợp với chính quyền địa phương) theo dõi về vấn đề xả nước, đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão Sarika, kịp thời thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động biện pháp phòng tránh. Kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời cá tình huống có thể xảy ra.
Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương tính toán, xác định cụ thể vùng nguy hiểm của bão, từ đó tham mưu giúp Ban Chỉ đạo để chỉ đạo, triển khai việc di dời dân. Các Bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được phân công, thực hiện tốt công tác phối hợp trong việc phòng chống, ứng phó với bão.
Ảnh hưởng của mưa lũ và bão Sarika đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản cho các địa phương. Hiện tại các Bộ, ngành Trung ương đang tiếp tục phối hợp với các địa phương chịu ảnh hưởng tích cực khắc phục hậu quả của mưa lũ và bão.
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đến thời điểm này mưa lũ đã làm 15 người chết (Nghệ An 2 người, Hà Tĩnh 2 người, Quảng Bình 9 người, Thừa Thiên Huế 2 người); 9 người mất tích (Hà Tĩnh 1 người, Quảng Bình 8 người); 18 người bị thương (Quảng Bình 13 người, Quảng Trị 3 người, Thừa Thiên Huế 2 người); 7 nhà bị sập; số nhà bị ngập, hư hỏng (tổng số nhà hiện còn bị ngập/tổng số nhà đã và đang ngập): 98.215/100.3 nhà; 1.598 ha lúa bị ngập...; 36 điểm đường Quốc lộ bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông (Nghệ An 5 điểm, Hà Tĩnh 5 điểm, Quảng Bình 26 điểm). Tính đến sáng 16/10 các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 9B tại Quảng Bình đã thông tuyến; 13 điểm đường tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông (Nghệ An 6 điểm, Hà Tĩnh 2 điểm, Quảng Bình 5 điểm). Các tuyến đường 570B, 561 tại Quảng Bình đã thông tuyến; 7 điểm đường sắt bị ngập tại Quảng Bình (Phú Trạch-Tân Ấp, Ngọc Lâm-Lạc Sơn, Lạc Sơn-Lệ Sơn, Lệ Sơn-Mỹ Lệ, Phúc Tự-Đồng Hới, ga Đồng Hới, ga Lệ Thuỷ). 5 tàu chở hàng clinke (Công ty Trường Thành) neo đậu tại cửa Gianh bị đứt neo (1 tàu đang trở về cảng Hòn La, một tàu bị mắc kẹt tại phao số 0, 1 tàu bị mắc kẹt tại cửa Gianh, 1 tàu HD 21/4 người ở cửa Gianh bị chìm lúc 4 giờ ngày 15/10, 1 tàu HD 2155/4 người lật chìm tại phao số 0 lúc 10 giờ ngày 15/10). Hiện các lực lượng chức năng đã cứu được 3 người của tàu HD 21 và đang tiếp tục tìm kiếm 5 người mất tích.
Thống kê đến thời điểm này, 500 m kè tại Nghệ An bị sạt lở, 2.770 m kênh mương nội đồng sạt lở (Nghệ An 2.500 m, Hà Tĩnh 10 m, Quảng Bình 60 m, Quảng Trị 200 m), 4 đập loại nhỏ bị hư hại (Nghệ An 3, Quảng Bình 1); 3.074 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị ngập (Nghệ An 1.971 ha, Hà Tĩnh 337 ha, Quảng Bình 597 ha, Quảng Trị 39 ha, Thừa Thiên Huế 130 ha).