Hiện nay, Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 1 triệu dân của thành phố. Công ty đang vận hành một số nhà máy như: Nhà nước Cầu Đỏ với công suất thiết kế đạt 250.000m3/ngày đêm; Nhà máy nước Sân bay với công suất đạt 30.000m3/ngày đêm và một số nhà máy nước nhỏ nằm rải rác trên địa bàn thành phố đạt công suất hơn 10.000m3/ngày đêm.
Trung bình mỗi ngày, người dân trên địa bàn Đà Nẵng sử dụng khoảng 290.000m3 nước/ngày đêm. Nếu nước không bị nhiễm mặn, Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân trong thành phố.
Tuy nhiên, nếu mặn xâm nhập vào sông Cầu Đỏ với tỷ lệ lớn, việc vận hành trạm bơm tại Cầu Đỏ gần như không hiệu quả. Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng phải bơm nước từ trạm bơm An Trạch về để xử lý và cung cấp nước cho nhân dân.
Văn bản số 8454/UBND-STNMT do Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn ký nêu rõ, theo quy định tại Điều 2 của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn ban hành kèm theo Quyết định số 1537/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Mùa lũ từ ngày 1/9 đến ngày 15/12 và mùa cạn từ ngày 16/12 đến ngày 31/8 năm sau”.
Tuy nhiên, trong năm 2018, mặc dù đã sang mùa lũ nhưng lượng mưa rất ít, tình hình xâm nhập mặn tại cửa thu nước Nhà máy nước Cầu Đỏ diễn biến phức tạp. Độ mặn tại cửa thu nước Nhà máy nước Cầu Đỏ trong ngày 29/10/2018 có thời điểm lên đến 1.082 mg/1. Mực nước nước tại đập dâng phòng mặn An Trạch ở mức rất thấp, lúc 11 giờ 30 phút cùng ngày xuống còn 1,05 mét, mực nước tại Ái Nghĩa lúc 7 giờ và 13 giờ ngày 29/10/2018 là 1,8 mét. Do mực nước thấp nên trạm bơm phòng mặn An Trạch không thể hoạt động để bơm nước về Nhà máy nước Cầu Đỏ dẫn đến gián đoạn trong hoạt động cấp nước cho thành phố Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Văn An (trú An Hải Bắc, Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết, chưa năm nào giữa mùa mưa, người dân thành phố lại thiếu nước sinh hoạt như năm nay. Người dân mong muốn thành phố có giải pháp căn cơ để có nước ngọt sử dụng.
Ông Hồ Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng cho biết, nếu nước sông Cầu Đỏ không nhiễm mặn, việc thu nước thô vào xử lý phục vụ nước sinh hoạt của người dân thành phố thực hiện dễ dàng. Tuy nhiên, khi độ mặn nước sông Vu Gia tại vị trí cửa lấy nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ lớn hơn 1.000mg/l phải đóng kín cửa lấy nước của nhà máy và thực hiện việc bơm nước sông Vu Gia (nhánh sông Yên) từ trạm bơm tại đập dâng An Trạch về hồ điều tiết. Hiện trạm bơm An Trạch có công suất bơm đạt khoảng 210.000m3/ngày đêm cung cấp cho Nhà máy nước Cầu Đỏ nên không thể cung cấp nước đủ cho nhà máy xử lý.
Thành phố Đà Nẵng đang triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy nước Cầu Đỏ với công suất tăng thêm là 120.000m3/ngày đêm. Trong đó, giai đoạn một dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2019 có công suất 60.000m3/ngày đêm và đến năm 2023 dự án sẽ hoàn thành, đạt công suất theo thiết kế. Tuy nhiên, có một nghịch lý là cho dù sau khi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, phần dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy nước Cầu Đỏ (công suất tăng thêm 120.000m3/ngày đêm) cũng không thể phát huy được tác dụng khi độ mặn nước sông Vu Gia tại vị trí cửa lấy nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ lớn hơn 1.000mg/l (vì lúc này phải đóng kín cửa lấy nước tại nhà máy).
Trên cơ sở thực tế, ngành chức năng, cơ quan quản lý đã thấy nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nếu không đầu tư xây dựng, nâng công suất cung cấp nước cho người dân. Thành phố Đà Nẵng đang đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy nước hồ Hòa Trung và xem xét đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên. Hiện nay đã có một số ý kiến về việc nâng cấp trạm bơm An Trạch hoặc xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ song thành phố Đà Nẵng vẫn chưa phê duyệt phương án nào. Vì vậy, nếu mặn tiếp tục xâm nhập người dân thành phố Đà Nẵng vẫn phải chịu cảnh “đói nước” sinh hoạt.