Ông Lê Hoàng Ngọc, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Nai, cho biết thách thức chung của việc phát triển mô hình chính quyền điện tử hiện nay là cần phải có công dân điện tử. Do đó, giải pháp của Đồng Nai là phát triển chính quyền điện tử, mô hình thành phố thông minh trên các nền tảng có đông người dùng sẵn có, đó là Zalo.
TP Đà Nẵng hiện đang áp dụng chính quyền điện tử trên mạng xã hội Zalo. Ảnh: ĐN |
Theo đó, tháng 7/2017, mô hình chính quyền điện tử của Đồng Nai trên Zalo đã đưa vào hoạt động chính thức. Chỉ trong 3 tháng triển khai, mô hình chính quyền điện tử trên mạng xã hội của tỉnh Đồng Nai đã nhận được sự hài lòng lớn từ phía người dân, bởi ngay cả những người không rành công nghệ cũng có thể sử dụng một cách dễ dàng. Ngoài ra, với những người bận rộn như nhân viên văn phòng, họ có thể tiết kiệm thời gian “đi tới, đi lui” khi chỉ cần ngồi ở công ty cũng có thể tra cứu thông tin cần thiết.
Hướng đi này của Đồng Nai đã mở ra hướng phát triển đầy lạc quan cho mô hình chính quyền điện tử hiện nay và nhận được sự quan tâm lớn từ các tỉnh thành trong cả nước. Trước đó, Bộ Y tế cũng đã ứng dụng Zalo trong các hoạt động tương tác với người dân và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Hiện có khoảng 15 tỉnh, thành đã bày tỏ mong muốn đưa mạng xã hội vào việc xây dựng chính quyền điện tử tại địa phương như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, Lào Cai, Hà Giang, Thái Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Quảng Nam, Quảng Trị.
Theo các địa phương này, hiện nay hầu như người dân nào cũng có một tài khoản Zalo, Facebook và truy cập hàng giờ nên việc phát triển mô hình chính quyền điện tử trên mạng xã hội sẽ có nhiều ưu thế thuận tiện, giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức của cả nhà nước lẫn người dân.
Hiện Zalo là mạng xã hội Việt, được cấp phép và quản lý của Bộ Thông tin và Truyền Thông, do đó việc triển khai chính quyền điện tử trên Zalo sẽ thuận lợi và dễ dàng kiểm soát thông tin hơn. Cụ thể, người dân có thể thông qua Zalo để cập nhật thông tin về tình trạng xử lí hồ sơ, nhận biên nhận điện tử, đánh giá mức độ hài lòng của đội ngũ nhân viên giải quyết các thủ tục hành chính chỉ với những thao tác đơn giản.
Theo chia sẻ từ Đồng Nai, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng sang các chức năng mới như giấy phép điện tử, xử phạt an toàn giao thông, hóa đơn tiền điện, tiền nước… Đồng thời, Đồng Nai đang nhân rộng mô hình này về tuyến huyện, xã nhằm thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền và người dân.
Sẽ là một “cánh tay nối dài”
Không chỉ các cơ quan chức năng, nhiều trường học cũng đã áp dụng mạng xã hội để tuyên truyền thông tin về trường, công bố bảng điểm... Theo đó, mới đây Trường ĐH Công nghệ Thông tin (CNTT) dùng Zalo để thông báo lịch học, điểm thi như một kênh quan trọng để tương tác với sinh viên.
Trường Đại học Công nghệ Thông tin TP Hồ Chí Minh cũng áp dụng mạng xã hội để thông báo lịch học, điểm thi của sinh viên. Ảnh: KX |
Để có thể nhận tin nhắn thông báo qua Zalo, sinh viên chỉ cần quét QR code được dán trên các poster trong sân trường hoặc bấm “Quan tâm” Official Account của ĐH CNTT, hệ thống sẽ tự động nhận diện thông qua số điện thoại. Để bảo mật thông tin, trường sẽ chỉ cho phép tra cứu và nhận thông tin khi sinh viên sử dụng số điện thoại trùng với số điện thoại đã đăng ký trong bản lý lịch tại trường.
Thạc sĩ Nguyễn Đình Khương, Trưởng phòng dữ liệu và CNTT của nhà trường, cho biết các ứng dụng trên điện thoại thông minh đã trở thành một xu hướng chung, nên thay vì viết một ứng dụng riêng để sinh viên sử dụng thì tiện hơn là kết hợp với Zalo trong việc cung cấp hoặc tra cứu thông tin. Nền tảng này giúp nhà trường, sinh viên có thể dễ dàng gửi và nhận những thông báo tức thời, mang tính cá nhân hóa cao và tiết kiệm rất nhiều thời gian, nguồn lực. “Nếu áp dụng thành công thì đây có thể là một một trường hợp học hỏi cho nhiều trường ĐH khác tham khảo”, thầy Khương cho biết.
Cũng theo Trường ĐH CNTT, nhà trường dự kiến mở rộng việc ứng dụng để làm kênh tương tác với phụ huynh, giúp các phụ huynh có thể nắm tình hình học tập của con mình dễ dàng hơn.
Bàn về việc sử dụng mạng xã hội như một công cụ đắc lực cho chính quyền điện tử, LS.TS Bùi Quang Tín cho biết điều này thực sự sẽ đem lại hiệu quả tích cực nếu biết cách tận dụng mạng xã hội đúng hướng. Trong tương lai không xa, mạng xã hội sẽ được mở rộng ở các cơ quan chính quyền. Bởi thời gian qua, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng mạng xã hội như “bàn tay nối dàì” để kết nối thông tin giữa chính quyền và người dân gần hơn.
Tại Việt Nam, từ tháng 10/2015, Chính phủ đã lập hai tài khoản Facebook là “Thông tin Chính phủ” và “Diễn đàn Cạnh tranh quốc gia” với kỳ vọng giúp người dân tiếp cận kịp thời các văn bản, quy phạm pháp luật mới ban hành; thông tin thời sự chính trị, kinh tế - xã hội... hay hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước...
"Việc làm này không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, mà còn khuyến khích người dân đồng hành cùng Chính phủ, góp phần thiết thực định hướng dư luận trên mạng xã hội. Đây cũng được coi là kênh giám sát dư luận xã hội hiệu quả, từ đó các cơ quan ban hành chính sách lắng nghe và có những điều chỉnh phù hợp với thực tế đời sống, nguyện vọng của nhân dân", LS.TS Tín chia sẻ.