Đây là nguyên nhân khiến cho tình trạng mất an toàn giao thông trên đường sắt qua địa bàn tỉnh Hưng Yên đang trở nên phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Đường ngang như mắc cửi
Trên địa bàn Hưng Yên có đoạn đường sắt chạy qua huyện Văn Lâm với tổng chiều dài gần 19 km. Do chạy qua địa bàn của 8 xã, thị trấn có mật độ dân cư đông nên dù không dài nhưng đã có 82 đường ngang và lối đi dân sinh cắt qua, mật độ trung bình hơn 4 điểm/km. Phần lớn các đường ngang do người dân tự ý mở, nhiều đường ngang được phép mở nhưng thiếu hệ thống cảnh báo hoặc hệ thống cánh báo an toàn lại không bảo đảm an toàn giao thông.
Trong đó nhiều đường ngang trái phép là lối đi vào các doanh nghiệp, các hộ gia đình, cửa hàng kinh doanh ngay ven đường tàu. Ngoài ra còn có nhiều điểm giao cắt tỉnh lộ, huỵên lộ… Sau nhiều lần quyết liệt giải tỏa, trên toàn tuyến mới xóa được 31 đường ngang và lối đi dân sinh. Hiện vẫn còn 51 đường ngang, đường dân sinh vẫn tồn tại đang tiềm ẩn không ít nguy cơ mất an toàn giao thông.
Một điểm đen giao thông đường sắt nơi ngã ba giao cắt với đường sắt không có rào chắn và nhân viên gác. Ảnh: Nguyễn Trường/TTXVN |
Trung bình mỗi ngày hàng chục chuyến tàu khách, tàu hàng Hà Nội, Hải Phòng chạy qua địa bàn tỉnh Hưng Yên, với tốc độ luôn ở mức không dưới 70 km/giờ. Trong khi đó, nhiều đường ngang giao với đường tàu do bị cong cua, khuất tầm nhìn cả 2 phía đường bộ, đường sắt, nếu không chú ý quan sát, rất khó biết được ngay cả khi đoàn tàu đang đến gần. Người dân xã Đình Dù, Lạc Đạo (Văn Lâm) cho biết: Nhiều khi băng qua đường sắt rất kinh hãi vì bị khuất tầm nhìn, đường ngang do mở tự phát không có tín hiệu báo tàu, nên có những khi lái xe lên đến giữa đường sắt mới phát hiện đoàn tàu đang chạy tới gần.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, hạn chế lớn nhất trên tuyến đường sắt qua huyện Văn Lâm là không có đường gom dọc đường sắt để hạn chế lối đi dân sinh. Việc duy tu biển báo "Chú ý tàu hỏa" chưa thường xuyên, một số biển đã mất nhưng chưa được thay thế, khắc phục. Nhiều điểm chưa có cảnh báo cần chắn gác ghi, các tuyến đường nông thôn cắt ngang chưa có hệ thống cảnh giới, cảnh báo cần chắn hoặc tự động...
Thực trạng trên đã làm xuất hiện nhiều "điểm đen" về tai nạn giao thông, như đường ngang qua xã Đình Dù, Lạc Đạo, Chỉ Đạo, thị trấn Như Quỳnh... Trong những năm gần đây, tình trạng tai nạn giao thông tại các điểm này có chiều hướng gia tăng, với các vụ tai nạn ô tô vượt đường ngang, xe contener va vào tàu hoả gây thiệt hại lớn về người và phương tiện giao thông.
Từ năm 2016 đến nay, chỉ riêng trên tuyến đường sắt chưa đầy 20 km qua Hưng Yên đã xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông làm 14 người thương vong, trong đó 7 người thiệt mạng. Đáng lo ngại nhất là tại vị trí giao cắt với đường tỉnh ĐH12B vào xã Đình Dù, đã xảy ra nhiều vụ nghiêm trọng. Nguyên nhân do thiếu chú ý quan sát, người lái phương tiện tránh trạm thu phí trên Quốc lộ 5 đi vào đường giao thông của địa phương. Mặt khác nhiều vị trí giao cắt thiếu tầm nhìn, người lái xe không chấp hành hiệu lệnh cảnh giới tự động, kể cả cảnh giới bằng tổ tự quản.
Các giải pháp cần được thực thi
Tỉnh Hưng Yên đã đưa ra nhiều giải pháp. Về lâu dài, tỉnh đề xuất Cục Đường sắt Việt Nam nghiên cứu lập dự án xây dựng đường gom dọc đường sắt qua địa bàn. Trước mắt, nâng cấp, đầu tư đường ngang tại Km21+113 (giao với đường ĐH12B vào thôn Đình Dù) thành đường ngang có phòng vệ biển báo, cảnh báo tự động để giảm thiệu tai nạn giao thông.
Tỉnh cũng đề nghị Tổng Công ty đường sắt Việt Nam xây dựng 650m đường gom tại Km17 trong quy hoạch của Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết định 348/QĐ-BGTVT ngày 20/2/2012, đồng thời giúp địa phương xóa bỏ được 4 lối đi dân sinh thuộc khu vực phố Minh Khai (thị trấn Như Quỳnh), lập dự án lắp đặt hệ thống cảnh báo, cảnh giới tại 14 vị trí đường ngang thuộc Quy hoạch của ngành Đường sắt Việt Nam quản lý, lắp đặp tấm đan trong đường sắt đối với 24 vị trí đường dân sinh chưa được cứng hóa, nhằm bảo đảm an toàn chạy tàu và an toàn cho nhân dân. Đồng thời có phương án quy hoạch các vị trí đường ngang giao cắt tỉnh lộ, huyện lộ; phục vụ sản xuất; khu vực đông dân cư và các doanh nghiệp, nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Về phía địa phương, tỉnh tiếp tục duy trì 6 tổ tự quản tại các vị trí, điểm xung yếu, triển khai lắp đặt thí điểm thiết bị cảnh báo theo tín hiệu đèn kết hợp báo hiệu bằng loa gắn kèm tại 2 vị trí đường ngang gồm: Km 30+200 vào ấp Lạc Đạo và Km29+992 vào ấp Đình Dù. Đồng thời phối hợp với Công ty Cổ phần Quản lý đường sắt Hà Hải phát hiện xử lý đối tượng phá hoại biển báo, rào chắn. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật an toàn giao thông cho người dân thực hiện tốt các công việc thường xuyên khác để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.
Theo dư luận nhân dân huyện Văn Lâm, những giải pháp trên được xem là rất khả thi và hữu hiệu. Trong đó nhiều giải pháp đã được tỉnh Hưng Yên đề xuất lên cơ quan chức năng từ nhiều năm trước, nhưng vẫn chưa thấy triển khai. Người dân mong rằng sau những hậu quả đáng tiếc từ nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đường sắt qua địa bàn Văn Lâm mới đây, các giải pháp trên cần sớm được thực thi.