Mặt trái của Facebook

Không thể phủ nhận một thực tế là mạng xã hội Facebook ngày nay đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của giới trẻ. Họ sử dụng Facebook như là một phương tiện kết nối, chia sẻ thông tin hữu ích trong cuộc sống và học tập, qua đó giao tiếp và tìm kiếm cơ hội để khẳng định mình. Giới trẻ cũng có thể liên kết, hợp tác với nhau qua Facebook thành các nhóm thực hiện công tác xã hội…

Người dùng thường tiêu tốn khá nhiều thời gian để "chăm sóc" cho tài khoản Facebook của mình. Ảnh: theguardian.com


Tuy nhiên, việc lạm dụng Facebook đang ngày càng cho thấy những hệ lụy. Ngoài việc có khả năng gây nghiện và tiêu tốn thời gian, làm giảm đáng kể năng suất học tập, lao động, mạng xã hội này có thể làm cho bạn dễ bị tổn thương bởi virus hay các phần mềm độc hại, và thậm chí có thể bị đánh cắp thông tin cá nhân nếu bạn không cẩn thận.

Gây nghiện, stress

Theo một nghiên cứu mới nhất được tiến hành bởi PGS.TS Tâm lý học Leif Denti tại Trường Đại học Gothenburg (Thụy Điển), dành nhiều thời gian trên Facebook có thể gây nghiện. Những người tham gia trong nghiên cứu thừa nhận rằng, họ cảm thấy không thoải mái nếu họ không thể thường xuyên kiểm tra tài khoản Facebook của họ. Một số người còn quả quyết rằng, họ thấy mất một thứ gì đó rất quý giá nếu như họ không được cập nhật trạng thái hoặc đăng những bức ảnh hay đoạn phim mới. Theo nghiên cứu này, những người dùng thậm chí còn không nhận ra rằng họ đang quá lạm dụng mạng xã hội, sử dụng nó như một thói quen vô thức.

Facebook có thể là một mối đe dọa nghiêm trọng đến năng suất làm việc của cả học sinh và nhân viên văn phòng. Nghiên cứu tiến hành tại Đại học bang Ohio (Mỹ) chỉ ra rằng, những sinh viên sử dụng Facebook chỉ tự học từ 1 - 5 giờ/tuần, trong khi những người còn lại thường học từ 11 giờ và nhiều hơn. Hiệu quả học tập có thể bị ảnh hưởng do sinh viên lãng phí thời gian trên Facebook để chơi trò chơi, trò chuyện với bạn bè hoặc xem hình ảnh mới. Rất nhiều các trò chơi trên Facebook thường yêu cầu bạn phải online liên tục nếu không sẽ bị ngắt kết nối.

Các nghiên cứu của Nucleus Research thì chỉ ra rằng, trung bình 1,5% tổng năng suất văn phòng bị mất thông qua việc nhân viên truy cập Facebook trong giờ làm việc. Khoảng 70% trong số những người tham gia trong nghiên cứu tiết lộ rằng, họ truy cập vào tài khoản Facebook trong khi làm việc, với 6% thừa nhận toàn bộ hồ sơ Facebook của họ đã được tạo ra tại nơi làm việc.

Tại Việt Nam, theo báo cáo tháng 3/2015 của WeAreSocial, chúng ta tốn tới hơn 5 giờ mỗi ngày để lên mạng Internet đối với người dùng máy tính và gần 3 giờ với người dùng điện thoại. Hầu hết khoảng thời gian này đều được dùng vào các mạng xã hội. Tổng thời gian trung bình mà một người Việt Nam truy cập vào mạng xã hội trong ngày là 2 giờ. Ngoài ra, theo kết quả khảo sát của GlobalWebIndex, Việt Nam là một trong 10 nước truy cập Facebook nhiều nhất trên thế giới.

Việt Nam nằm trong tốp các quốc gia có nhiều người sử dụng Facebook nhất. Báo cáo từ WeAreSocial tính tới tháng 3/2015 cho biết, có tới 45% dân số nước ta dùng Internet, tức khoảng 41 triệu người. Trong số 41 triệu người đó thì có 30 triệu người dùng các mạng xã hội. Khoảng 40% người dùng Facebook tại Việt Nam có độ tuổi từ 18 - 23, trong khi số người dùng có độ tuổi từ 24 - 30 chiếm 27%.


Các nghiên cứu tâm lý học tại Đại học bang California đã chỉ ra rằng, việc lạm dụng mạng xã hội Facebook có thể khiến bạn bị stress. Theo một cuộc khảo sát của Dự án Internet & American Life của Trung tâm Pew Research, có tới 15% thanh thiếu niên trên các mạng xã hội có biểu hiện bất an về tâm lý, trong khi 88% thừa nhận rằng họ đã chứng kiến ​​những người khác bị stress. Kể từ khi Facebook cho phép người dùng tải ảnh của mình mà sau đó có thể được “like” (“thích”) bởi bạn bè, rất nhiều thanh thiếu niên cảm thấy buồn chán, nếu hình ảnh của họ không thu được nhiều “like” như những người bạn của họ. Họ cũng thường phải tham gia vào các tranh luận trực tuyến và hệ quả là tâm sinh lý bị ảnh hưởng bởi những tranh luận tiêu cực.

Thông tin cá nhân bị đánh cắp

Đầu năm 2015, Facebook trở thành mạng xã hội có số lượng người dùng lớn nhất thế giới. Họ xác nhận mạng xã hội này hiện có gần 1,4 tỷ người dùng trên toàn cầu, chiếm đến 20% dân số trên trái đất.

Với khối lượng người dùng khổng lồ, Facebook luôn là mục tiêu cho kẻ xấu lợi dụng để phát tán virus hay các phần mềm độc hại, bất chấp những nỗ lực nhằm ngăn ngừa của nhà cung cấp dịch vụ. Khi một tài khoản Facebook bị tổn hại do virus hoặc phần mềm độc hại, nó thường tự động đăng tải liên kết và cập nhật trạng thái để đánh lừa những người dùng khác. Việc bạn nhấp vào một trong các liên kết đó có thể dẫn đến việc tài khoản của bạn bị tổn hại.

Facebook cho phép bạn chia sẻ rất nhiều thông tin cá nhân của mình, mà trong một số trường hợp có thể dẫn đến hành vi trộm cắp thông tin cá nhân. Trừ khi bạn rất thận trọng về các thiết lập quyền riêng tư trên tài khoản hoặc cẩn trọng trong việc chấp nhận yêu cầu kết bạn từ một người xa lạ, Facebook có thể làm cho thông tin cá nhân của bạn bị lộ trong tay kẻ xấu. Sau đó tin tặc có thể sử dụng thông tin này để đoạt được quyền truy cập vào những tài khoản trực tuyến khác của bạn, hoặc thậm chí mở tài khoản mới bằng cách sử dụng danh tính của bạn.

Những thông tin mà người dùng tự nguyện tiết lộ trên Facebook thường là các thông tin tương tự được sử dụng như các câu hỏi bảo mật thông thường khi mở tài khoản trực tuyến. Hệ quả là những người sử dụng bất cẩn có thể bị rất nhiều thiệt hại liên quan đến danh tiếng và tài chính của mình.


Bùi Thị Hồng Dung - Tạ Tường Vy (Bộ môn Tin học- Đại học Lao động Xã hội)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN