Thực trạng người bán “đếm người” mua trong chợ hàng ngày đang khiến nhiều tiểu thương lao đao vì thu không đủ bù chi và cho thấy mô hình chuyển đổi "nửa vời" của các chợ này đang "thất bại".
Video Các chợ hiện đại chuyển đổi nửa vời tại Hà Nội ế khách:
Tại các chợ trung tâm thương mại hàng ngày, vào giờ cao điểm mua bán (từ 9 - 11 giờ sáng, 15 - 17 giờ chiều), không khó thấy cảnh các tiểu thương ngồi lướt điện thoại, chơi game, tán gẫu, thậm chí kê giường bạt ngủ để hết thời gian bán hàng. Cảnh người bán "còm cõi" chờ người mua không chỉ đang khiến dư luận xót xa trước cảnh ế ẩm của các khu chợ từng tấp nập giao thương trước đây, mà còn đang khiến hàng loạt tiểu thương lao đao, treo biển cho thuê, bán gấp, chuyển nhượng...
Dù nằm ở vị trí đắc địa, với mô hình chuyển đổi từ chợ truyền thống thành chợ trung tâm thương mại hiện đại, thậm chí mới được xây sửa, nhưng các khu chợ nổi tiếng này vẫn rơi vào cảnh đìu hiu khách.
Chiếm lĩnh 3 kios liền nhau ngay cổng vào số 2 chợ Mơ (mặt phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) để bán đồ khô, ngay khi có người hỏi thuê những quầy đã đóng cửa để kinh doanh, bà Hoàng Thị T., tiểu thương trong chợ vội vàng đồng ý chuyển nhượng kios với lý do đã có tuổi, không muốn tiếp tục kinh doanh... Quan sát cả dãy chợ có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng vắng khách, nên các tiểu thương không còn muốn cầm cự.
Tương tự, chợ trung tâm thương mại Hàng Da (quận Hoàn Kiếm) được cải tạo từ chợ Hàng Da cũ với tổng diện tích 3.700 m2, có 5 tầng nổi và 2 tầng hầm. Nơi đây vốn đã vắng vẻ từ nhiều năm trước, hiện giờ còn thê thảm hơn. Ngoài khu vực ăn uống, các kios kinh doanh vải vóc, quần áo, rượu bia, nước giải khát... đều vắng khách.
Nhiều tiểu thương cho biết, họ mở hàng từ 8 giờ sáng, nhưng đến chiều vẫn chỉ ngồi chơi xơi nước. Sảnh chính tầng 1 chợ khang trang, sạch đẹp, nhưng chỉ có duy nhất một nhân viên bảo vệ túc trực ngồi lướt điện thoại. Có vài kios còn mở bán hàng, nhưng phải gần trưa các tiểu thương mới đến, còn chủ yếu là người làm thuê ra mở kios...
Khác với mô hình chuyển đổi từ chợ truyền thống xây mới thành chợ trung tâm thương mại, Chợ Hôm - Đức Viên nằm trên mặt tiền Phố Huế - Phố Trần Xuân Soạn, vị trí "đắc địa" nhất trong số các chợ nổi tiếng của Hà Nội, được cải tạo thành khu chợ hiện đại, nhưng hiện nay khi bước vào chợ, nhiều người ở xa đến sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh đìu hiu khách, số quầy hàng đóng nhiều hơn số quầy mở. Chợ Hôm - Đức Viên có hai tầng, gồm nhiều kios được quy hoạch phân khu riêng biệt, không gian chợ hiện đại hơn hẳn những chợ truyền thống khác, nhưng trái ngược với cảnh tấp nập thường phải thấy, trong chợ lại ảm đạm, khách ra vào thưa thớt...
Việc người dân không thích vào chợ trong các trung tâm thương mại mua sắm có nguyên nhân từ nhiều phía. Trước hết, là việc bố trí các khu chợ này chưa thuận lợi, cổng vào nằm khuất, khó tìm, hoặc nằm dưới tầng hầm trung tâm thương mại, bị bịt kín bởi cửa kính, bãi trông giữ xe... mang lại cảm giác ngột ngạt.
Thêm vào đó, theo nhiều người dân sinh sống gần các chợ cho hay, giá bán các mặt hàng trong chợ thường cao hơn giá bán bên ngoài, trong khi các chợ cóc, chợ tạm, chợ lưu động... bủa vây chợ trung tâm thương mại vẫn hoạt động tấp nập, nên tâm lý người mua đều muốn tiện, ngại vào chợ.
Ngoài ra, thói quen mua sắm hàng hóa online của người tiêu dùng đang dần thay thế phương thức mua hàng trực tiếp tại các chợ, sự tiện lợi của các nền tảng bán hàng trực tuyến, với đa dạng mẫu mã, kèm nhiều ưu đãi giảm giá, miễn phí giao hàng tận nơi... đang khiến khách hàng quay lưng với chợ...
Các tiểu thương trong các chợ chia sẻ, ngoài chi phí thuê kios từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, các tiểu thương còn phải đóng nhiều loại phí phí vệ sinh, điện, nước, dịch vụ... những chi phí này đều phải cộng vào giá bán, khiến giá có cao hơn bên ngoài một chút. Nhưng bù lại, hàng hóa trong chợ bảo đảm hơn. So với chợ cũ, mô hình chợ mới được quản lý chặt chẽ, các gian hàng phân khu rõ ràng, hợp lý, bảo đảm văn minh thương mại... Song, chính sự bất tiện ban đầu đã khiến các chợ ngày càng vắng khách.
Qua tìm hiểu, từ năm 2009 đến đầu 2010, hàng loạt chợ dân sinh của Hà Nội được xây dựng mới, cải tạo thành các Trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống, với mong muốn góp phần thay đổi hình ảnh, bộ mặt Thủ đô trong lĩnh vực thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, nhưng đến nay, chủ trương chuyển đổi mô hình nửa vời này không hiệu quả, gây lãng phí lớn. TP Hà Nội vẫn đang tiếp tục triển khai mô hình chuyển đổi chợ tại các quận, huyện thuộc giai đoạn 2021 - 2025, nhưng sau khi xây dựng xong, làm thế nào để chợ truyền thống trong khu thương mại có thể tiếp tục hoạt động hiệu quả là bài toán không dễ giải quyết.
Theo các chuyên gia kinh tế, trung tâm thương mại mới xây dựng trên diện tích của chợ cũ phải ưu tiên sắp xếp, thiết kế vị trí đặt chợ truyền thống phù hợp, thuận tiện; bố trí khu vực bãi để xe rộng rãi, đầy đủ và miễn thu phí trông giữ xe và quan trọng nhất là phải dẹp bỏ được chợ cóc, chợ tạm, hàng rong... vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, vừa tạo thói quen mua sắm đúng nơi quy định cho người dân.