Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 20 chợ khu vực thành thị, 51 chợ khu vực nông thôn. Hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại, đặc biệt là các chợ truyền thống đã đóng góp rất lớn trong việc cung ứng, lưu thông trao đổi mua bán hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Tuy nhiên thực tế, một số chợ ở khu vực nông thôn, vùng cao quy mô nhỏ, cơ sở vật chất sơ sài, xuống cấp; còn thiếu trang thiết bị phòng cháy chữa cháy; đầu tư xây dựng chợ nhưng không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả vẫn còn xảy ra. Một số nơi vẫn còn tồn tại các tụ điểm kinh doanh tự phát; người mua, người bán trao đổi hàng hóa ngay trên vỉa hè, lòng đường; tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, mất trật tự, mỹ quan đô thị...
Để khắc phục tồn tại, hạn chế trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố về việc để phát sinh chợ tự phát trên địa bàn quản lý.
Người đứng đầu các địa phương, tích cực phối hợp các phòng, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh không để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh; phối hợp xây dựng và thực hiện kế hoạch giải tỏa các chợ tự phát, các địa điểm kinh doanh không đúng quy định. Điều này từng bước chỉnh trang đô thị; phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật tại các chợ, thực hiện các biện pháp về phát triển và quản lý chợ.
Các địa phương xem xét chấp thuận thiết kế, phương án tổ chức giao thông nút giao và cấp phép thi công nút giao của các dự án đầu tư chợ đấu nối vào đường bộ do cấp huyện quản lý; triệt để xóa bỏ tình trạng chợ tạm, chợ tự phát, các điểm, nhóm tập trung mua bán trên địa bàn để lập lại kỷ cương mỹ quan đô thị, tạo nếp sống văn minh, hiện đại cho người dân; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, khiếu nại theo thẩm quyền liên quan đến hoạt động của chợ trên địa bàn.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý và phát triển chợ trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định trong quá trình đầu tư, xây dựng chợ, đặc biệt là phương án bố trí chợ tạm cho thương nhân trong quá trình thi công di dời chợ, các chính sách chế độ hỗ trợ di dời, giải tỏa chợ có liên quan; không để xảy ra tình trạng khiếu kiện tập thể, khiếu nại vượt cấp gây mất trật tự, an ninh xã hội.
Các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng để quản lý hiệu quả các chợ trên địa bàn, duy trì trật tự an ninh, phối hợp sắp xếp địa điểm kinh doanh theo hướng văn minh, lịch sự trong khu vực chợ; cương quyết không để xảy ra tình trạng hộ kinh doanh sinh sống trong phạm vi đất chợ. Đồng thời, tổ chức hòa giải tranh chấp giải quyết khiếu nại phát sinh ở chợ theo thẩm quyền.
Chỉ thị nêu rõ, UBND các xã, phường, thị trấn triển khai, thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về công tác chợ trên địa bàn; giám sát và chỉ đạo việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp chợ hạng III được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước đúng quy định; phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư tổ chức lấy ý kiến của nhân dân và hộ kinh doanh để xác định quy mô và thời điểm đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp, cải tạo chợ cho phù hợp.
Tại chỉ thị, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức điều tra, khảo sát, tổng hợp nhu cầu đầu tư xây dựng chợ gửi cơ quan chuyên môn thẩm định trình UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ.
Theo đó, trước mắt ưu tiên xem xét đầu tư các chợ đang hoạt động có hiệu quả nhưng chưa được đầu tư hoặc đã được đầu tư nhưng xuống cấp hoặc quá tải, những chợ tại các khu dân cư có nhu cầu bức thiết về chợ; phân theo giai đoạn đầu tư đối với từng chợ để làm cơ sở bố trí nguồn vốn hoặc kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa trong đầu tư xây dựng chợ.