Ngày 6/11, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức tọa đàm giới thiệu những điểm mới của dự thảo Luật An toàn – Vệ sinh lao động được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, khóa 13.
Đại diện các ban ngành đoàn thể đóng góp ý kiến về dự thảo Luật An toàn - Vệ sinh lao động |
Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH: Dự thảo luật An toàn – Vệ sinh lao động (ATVSLSS) sẽ mở rộng đối tượng điều chỉnh so với Bộ Luật lao động năm 2012, vốn chỉ giới hạn với những người có quan hệ lao động. Theo đó, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật ATVSLĐ bao gồm cả những người không có quan hệ lao động hiện chiếm khoảng 60% lượng lượng lao động và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, do chưa có chính sách yêu cầu thực hiện các công tác đảm bảo an toàn lao động. Đồng thời, dự thảo Luật ATVSLĐ chú trọng quy định công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đảm bảo quyền lợi của người lao động khi bị tai nạn, thành lập thanh tra chuyên ngành và thành lập Quỹ bảo hiểm an toàn nghề nghiệp.
Tuy nhiên, theo đại biểu, việc mở rộng đối tượng theo dự thảo Luật ATVSLĐ sang khu vực không có quan hệ lao động sẽ khó triển khai trên thực tế bởi không có sự ràng buộc cụ thể về trách nhiệm và quyền lợi giữa các bên liên quan, nhất là khu vực nông nghiệp. Do đó, đại diện Hội Nông dân Việt Nam đề nghị, nếu có triển khai thì trước mắt khoanh vùng đối tượng tại các trang trại, làng nghề và sau đó nhân rộng trên nguyên tắc tự nguyện.
Bên cạnh đó, việc khuyến khích người lao động tham gia tự nguyện vào Quỹ bảo hiểm an toàn nghề nghiệp với mức hỗ trợ Nhà nước 50% so với khu vực có quan hệ lao động (tức là khoảng 100.000 đồng/người/năm) thì mức dự kiến bù chi từ ngân sách lên tới gần 700 tỷ đồng/năm và sẽ làm tăng gánh nặng ngân sách.