Bệnh nhân là anh A Phát (40 tuổi), dân tộc Kadong, công tác tại Ban chỉ huy quân sự huyện Ia H’Drai. Đây là ca viêm não Nhật Bản được phát hiện đầu tiên năm 2017 tại tỉnh Kon Tum.
Trước đó ngày 6/5, Sở Y tế tỉnh Kon Tum nhận được báo cáo từ Trung tâm Y tế huyện Ia H’Drai về việc bệnh nhân A Phát có biểu hiện ban đầu sốt liên tục, nôn co giật kéo dài. Ngày 8/5, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện 211 (tỉnh Gia Lai) với ghi nhận tình trạng lơ mơ, tiếp xúc chậm, yếu chi, cổ cứng, vạch màng não dương tính và dấu hiệu sinh tồn mạch 100 lần/phút, nhiệt độ 39 độ, nhịp thở 20 lần/phút.
Bệnh viện 211 chuẩn đoán bệnh nhân viêm não-màng não, xét nghiệm viêm não Nhật Bản dương tính bằng phương pháp ELISA. Đến cuối ngày 17/5, bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng hôn mê, phải thở bằng máy.
Được biết, bệnh nhân A Phát đang sống tại khu vực trang trại chăn nuôi bò, heo, gia cầm của đơn vị đang chăn thả rông 25 con heo, 12 con bò, chưa kể gia cầm khác. Chuồng gia súc, gia cầm cách nơi ở khoảng 150m, là điều kiện thuận lợi cho nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản.
Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp các lực lượng chức năng tập trung điều tra ca bệnh theo quy định; chăm sóc, theo dõi sức khỏe bệnh nhân để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Mặt khác, thành lập đoàn công tác về địa phương thực hiện thực hiện vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng/bọ gậy; tổ chức truyền thông trực tiếp tại nơi bệnh nhân công tác và các hộ xung quanh về bệnh viêm não Nhật Bản; tổ chức phun, xử lý hóa chất diệt muỗi Cloramin B, Han-pec 50EC với diện tích phun 2 ha khu vực thôn 1 xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai)…