Chăn nuôi thỏ có nhiều lợi thế do chi phí đầu tư thấp, tận dụng được các phế phụ phẩm nông nghiệp, lao động nhàn rỗi, lao động phụ. Thỏ thuộc loại đẻ khỏe, phát triển nhanh, dễ nuôi. Tuy nhiên để nuôi thỏ đạt hiệu quả cao, cần chú ý các vấn đề sau đây:
- Thức ăn và nước uống: Cần cho thỏ ăn nhiều thức ăn thô xanh chất lượng tốt, vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, vừa có tác dụng chống đói và đảm bảo sinh lý tiêu hóa bình thường. Thức ăn thô, xanh cho thỏ phải được rửa sạch bằng nước máy hoặc nước giếng.
- Lồng và chuồng nuôi thỏ: Lồng thỏ phải bảo đảm chắc chắn, thỏ không chui lẫn đàn, tránh được chuột tấn công và chăm sóc thuận tiện. Thỏ là loài gia súc nhạy cảm với các tác nhân ngoại cảnh. Thỏ có ít tuyến mồ hôi dưới da, cơ thể thải nhiệt chủ yếu qua đường hô hấp. Khi nhiệt độ không khí tăng trên 35 độ C và kéo dài, thỏ rất dễ bị cảm nóng. Do đặc điểm này lồng nuôi thỏ cần đặt tại vị trí thoáng, mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông.
- Vệ sinh phòng trị bệnh: Thỏ là loài gia súc yếu, sức đề kháng cơ thể kém, dễ cảm nhiễm các mầm bệnh và phát triển thành dịch. Để hạn chế tối đa tổn thất kinh tế do dịch bệnh, cần tạo ra môi trường tiểu khí hậu chuồng nuôi hợp vệ sinh và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Cụ thể, hàng ngày cần làm vệ sinh lồng nuôi, chuồng nuôi; định kỳ sát trùng lồng, chuồng, máng ăn, máng uống, ổ đẻ; cần cung cấp cho thỏ đầy đủ thức ăn và nuớc uống sạch sẽ, chất lượng tốt.
X.M (Theo TTKNQG)