Điển hình điểm đo tại khu Vườn Dâu - Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm có chỉ số ô nhiễm không khí ở mức 408, chỉ số bụi mịn PA 2.5 là 362,5. Điểm đo tại Trung tâm Sao Mai, quận Thanh Xuân có chỉ số 355, chỉ số bụi mịn PM 2.5 là 342,4. Đây là mức cảnh báo ô nhiễm cao nhất, nguy hiểm tới sức khỏe tất cả người dân trong khu vực; khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch.
Một số khu vực khác của thành phố Hà Nội, ở mức ô nhiễm thấp hơn nhưng vẫn ở mức rất có hại cho sức khỏe như điểm đo Chùa Láng (quận Đống Đa) có chỉ số 297; điểm đo tại Đội Cấn (quận Ba Đình) có chỉ số 283; điểm đo Colibri Hà Nội (quận Tây Hồ) là 281… Tại mức chỉ số 201 - 300, ô nhiễm không khí rất có hại, cảnh báo tình trạng khẩn cấp tới sức khỏe người dân trong khu vực; khuyến cáo mọi người nên hạn chế ra đường.
Không riêng gì Hà Nội, ứng dụng này ghi nhận ô nhiễm không khí xảy ra ở nhiều địa phương thuộc Đồng bằng sông Hồng, điển hình là Bắc Ninh. Các điểm đo tại huyện Thuận Thành, Thư viện Khu phố Trang Liệt (thị xã Từ Sơn), Thư viện tỉnh Bắc Ninh (thành phố Bắc Ninh) lần lượt có chỉ số ô nhiễm không khí là 286, 230 và 226.
Theo các chuyên gia môi trường, chất lượng không khí như trên do thời tiết ít mưa, có sương mù. Người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống. Khi theo dõi thấy chất lượng không khí ở mức xấu, có hại, người dân cần hạn chế ra khỏi nhà, không vận động, tập thể dục ở ngoài trời.
Khi ra đường người dân nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng, có thể lọc được bụi mịn; đeo khẩu trang đúng quy cách; vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, ở khu vực chất lượng không khí xấu…