Cụ thể, tại tỉnh Bình Dương, từ 19 giờ ngày 2/5 đến 7 giờ ngày 3/5, trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát, huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo đã xảy ra mưa vừa đến mưa to kèm theo lốc làm tốc mái 9 căn nhà; gãy đổ 26,7 ha cao su đang khai thác và ngã đổ một số cây xanh ven đường gây mất điện cục bộ. Ước tổng giá trị thiệt hại ban đầu khoảng 3,8 tỷ đồng.
Tại tỉnh Long An mưa lớn kèm theo dông, lốc, lốc xoáy và mưa đá xảy ra ngày 2/5 trên địa bàn huyện Đức Hòa đã làm 15 căn nhà bị tốc mái, 10 trụ điện trung thế bị gãy, 10 nhà xưởng bị tốc mái. Ước tổng thiệt hại khoảng 1,3 tỷ đồng.
Để tiếp tục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thường xuyên liên lạc với các tỉnh, thành phố có cảnh báo về mưa lớn và nguy cơ xảy ra dông, lốc sét, mưa đá để nắm bắt tình hình.
Cùng với đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương tiếp tục thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại do mưa lớn kèm dông lốc, sét, mưa đá; chỉ đạo người dân khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ"; thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai; theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, lốc, sét, mưa đá để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp đảm bảo an toàn cho người, tài sản và sản xuất.