Tính đến 17 giờ ngày 10/5, mưa lớn đã làm 1 người chết do sạt lở đất (chị Triệu Thị Lan, sinh năm 1982 tại thôn Khau Bao, xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn); 10 nhà bị sập đổ; 257 nhà bị ảnh hưởng do, ngập, sạt lở đất (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Kạn); 1.775 ha lúa, hoa màu bị ngập (Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Giang); 7 trường học bị ngập (Bắc Giang).
Ngoài ra, tại tỉnh Lạng Sơn, mưa lớn đã làm nhiều tuyến đường tại các huyện trong tỉnh bị ngập úng cục bộ, ách tắc như: Cao Lộc, Tràng Định, Văn Lãng, Bắc Sơn, Chi Lăng… (các đường tỉnh 233, 234b, 229, 239; các đường huyện 24, 28, 80A; Quốc lộ 1A; 11 cầu dân sinh ngập; 5 điểm bị chia cắt, cô lập); 13 cột điện bị gãy đổ...
Trước đó, khoảng 7 giờ ngày 10/5, nhận được tin báo tại khu Hòa Bình II, thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) có nhiều hộ dân bị mắc kẹt trong nhà không thể tự di chuyển ra bên ngoài do mưa bão, ngập úng cục bộ, trong đó có cả người già và trẻ em (khoảng 10 gia đình với gần 40 người dân bị mắc kẹt trong nhà), Đội Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khu vực II thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp chính quyền thị trấn Đồng Mỏ giải cứu người dân và di chuyển đến địa điểm an toàn. Đến 10 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng đã giải cứu được 10 người và tiếp tục huy động thêm 2 xe, 1 xuồng cứu hộ cứu nạn và 11 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn trung tâm để hỗ trợ cơ sở giải cứu người bị nạn.
Mưa lớn trên diện rộng đã gây sạt lở đất đá trên nhiều tuyến đường giao thông làm ùn tắc cục bộ kéo dài trong sáng 10/5 tại tỉnh Bắc Kạn như vị trí Km126+200 trên tuyến Quốc lộ 3B, đoạn qua đèo Áng Toòng có hàng chục khối đá lớn sạt từ taluy dương, vùi lấp toàn bộ mặt đường. Tuyến đường tỉnh 258 (đoạn qua thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông) cũng ách tắc do một thân cây lớn đổ chắn ngang đường. Ngoài ra, còn có 2 trạm bơm thủy luân tại huyện Bạch Thông bị nước cuốn trôi.
Tại tỉnh Hà Giang, mưa lớn kèm dông lốc từ ngày 8 - 9/5, đã làm thiệt hại 18,25 ha lúa và hoa màu; 2 trường học bị hư hại; 4 con trâu bị lũ cuốn trôi.
Chính quyền các địa phương bị thiệt hại đã và đang tổ chức chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ, cập nhật thống kê, báo cáo theo quy định.
Để tiếp tục ứng phó với mưa lớn, dông lốc và khắc phục hậu quả thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra.
Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi, ngập úng tại các khu vực trũng, thấp và tiếp tục khắc phục hậu quả.
Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.