Tại tỉnh Hà Giang, từ ngày 11 - 12/9, mưa vừa, mưa to kéo dài kèm theo dông sét gây ngập úng, sạt lở đất tại nhiều địa điểm. Theo thống kê ban đầu, tại thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc), mưa to khiến lượng nước lớn từ các triền núi đổ về trung tâm huyện, hệ thống cống không kịp thoát nên nước tràn ra đường phố khiến gần 100 ngôi nhà của người dân và công sở bị ngập cục bộ. Nhiều trang thiết bị, vật dụng, phương tiện đi lại của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mưa lũ lớn cũng khiến nhiều diện tích cây hoa màu như cây ngô vụ 2, khoai lang bị thiệt hại. Nước lũ đã cuốn trôi nhiều tài sản của nhân dân; gây ra một hố có đường kính khoảng gần 40 mét, sâu khoảng 20 mét tại khu vực thôn Chúng Pả B, thị trấn Mèo Vạc và có nguy cơ tiếp tục xảy ra sụt lún nếu trời vẫn mưa kéo dài. Nhiều tuyến đường từ trung tâm huyện Mèo Vạc đi các xã biên giới như Sơn Vĩ, Thượng Phùng, Xín Cái bị sạt lở nghiêm trọng, hàng trăm mét khối đất đá tràn xuống đường khiến giao thông đi lại rất khó khăn.
Mưa lớn kéo dài nhiều giờ tại huyện Bắc Quang cũng khiến tuyến đường giao thông đi xã Thuận Hòa (huyện Vị Xuyên) bị sạt lở nghiêm trọng. Tại Km12 đường quốc lộ từ xã Tân Lập (huyện Bắc Quang) đi huyện Hoàng Su Phì, mưa lớn gây sạt lở đất, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn. Đặc biệt, tại khu vực đập tràn thuộc xã Yên Định (huyện Bắc Mê), mưa lớn kéo dài cộng với lượng nước từ các sông, suối đổ về khiến nước lũ dâng cao, các phương tiện giao thông không thể qua lại. Tỉnh lộ 183 đoạn qua thôn Phố Cáo, xã Đồng Yên bị ngập sâu, làm tê liệt giao thông cục bộ. Hàng trăm hộ dân ở đây cùng nhiều tài sản, hoa màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, tính đến 18 giờ ngày 12/9, mưa dông đã làm 13 hộ bị sạt lở đất vào nhà. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ các hộ dân di dời đến nơi an toàn. Ngoài ra, có gần 170 ha lúa, ngô và rau màu, khoảng 2,7 ha ao cá bị thiệt hại; 2 con trâu, 15 con lợn và 4.177 con gia cầm bị lũ cuốn trôi; 11 cầu bị hư hỏng, hàng trăm mét đường giao thông nông thôn bị sạt, hàng chục mét kênh mương bị vùi lấp; 3 cột điện và cột dây viễn thông bị đổ...
Tại xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, cơn mưa lớn kéo dài hơn 1 giờ kèm theo dông lốc xảy ra vào chiều tối 11/9 đã làm gãy đổ nhiều cây cối, một căn nhà bị sập hoàn toàn, 29 căn nhà bị tốc mái. Rất may là không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại tài sản ước tính hơn 800 triệu đồng.
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, mưa lũ vào đêm 10/9, rạng sáng ngày 11/9 đã làm ngập 15ha lúa, 12ha ngô, làm sạt lở 1 điểm đường liên xã thôn Năm Bún, xã Hà Lang, huyện Chiêm Hóa.
Tại tỉnh Gia Lai, trận mưa lốc ngày 9/9 đã làm hư hỏng và tốc mái 18 căn nhà, ước thiệt hại khoảng 42 triệu đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Đồng Tháp, Gia Lai đã chỉ đạo UBND các địa phương kịp thời có mặt tại khu vực xảy ra mưa lũ để thăm hỏi, động viên người dân và chỉ đạo các lực lượng khắc phục hậu quả, đảm bảo các tuyến đường giao thông thông suốt. Các cơ quan chức năng phối hợp với UBND các huyện xác định mức độ thiệt hại, hỗ trợ các hộ khôi phục sản xuất; khẩn trương khơi thông hệ thống cống, rãnh thoát nước, đắp bờ ngăn nước tràn vào nhà, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân.
Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, dông, lốc sét, gió giật mạnh, thông tin kịp thời đến cộng đồng, người dân để phòng tránh. Đồng thời, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.