Mùa mưa đến, người dân Gia Lai lại nơm nớp lo xả lũ

Gia Lai đang bước vào cao điểm của mùa mưa Tây Nguyên, với những cơn mưa đầu mùa xuất hiện rải rác, nhưng với cường độ mạnh và bất thường. Dự báo năm nay, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, gây tâm lý bất an cho người dân vùng hạ du các công trình thuỷ điện.


Thủy điện An Khê – Ka Nak xả lũ gây thiệt hại lớn cho người dân. Ảnh: tintaynguyen.


Đặc biệt, những bất cập trong quản lý, kiểm tra, giám sát vận hành các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh thời gian qua càng khiến cho người dân thêm phần lo lắng.


Trong mùa mưa năm 2013, nhiều công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh đồng loạt xả lũ, đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân vùng hạ lưu. Chỉ tính riêng việc xả lũ của thủy điện An Khê – Ka Nak trong cơn bão số 15 đã làm hơn 140 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng, khoảng 900 con gia súc, gia cầm cùng nhiều diện tích cây cối, hoa màu của người dân bị cuốn theo dòng nước lũ. Hàng loạt công trình thủy lợi của thị xã An Khê bị vỡ và sạt lở. Tổng thiệt hại mà địa phương này phải gánh chịu lên đến hơn 13 tỷ đồng.


Điều khiến hàng trăm người dân cũng như chính quyền thị xã An Khê bức xúc chính là việc làm thiếu trách nhiệm của thủy điện An Khê – Ka Nak, trong quá trình xả lũ đã không thông báo kịp thời cho địa phương theo đúng quy trình. Càng bức xúc hơn khi địa phương không có được thông tin chính xác về lưu lượng xả lũ của thủy điện có đúng với thực tế hay không để có biện pháp ứng phó. 


Ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Ban Chỉ đạo Tây Nguyên sẽ phối hợp với các Bộ, ban, ngành Trung ương và chính quyền quyền địa phương tập trung rà soát, tiến tới loại bỏ các công trình thủy điện chưa triển khai. Đồng thời, có thể dứt khoát tạm dừng một số công trình thủy điện chuẩn bị đầu tư nhưng ảnh hưởng quá lớn đến môi trường, đến đất đai, đến đời sống người dân và phương án đền bù, giải tỏa và báo cáo tác động môi trường không tốt.


Ông Nguyễn Công Tuấn, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng thị xã An Khê cho biết: Thủy điện An Khê – Ka Nak không xây dựng bản đồ vùng ngập lũ làm cho công tác phong chống lụt bão của địa phương rất bị động. Hơn nữa, địa phương cũng không nhận được thông báo kịp thời từ phía thủy điện về tình hình xả lũ nên không thể nào thông tin kịp thời tới các địa phương và người dân để có phương án tránh lũ hiệu quả.


Còn ông Ksor Pớ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Krông Pa cho rằng, thủy điện An Khê – Ka Nak xả lũ là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng mức độ thiệt hại tại địa phương. Từ khi có thủy điện An Khê – Ka Nak, lưu lượng nước trên sông Ba không đều, mùa mưa xả lũ làm cho nước ứ đọng, ngập lụt một diện tích khá lớn. Do đó, địa phương đề nghị tỉnh và Trung ương cần có nghiên cứu sâu hơn để việc xả lũ của các thủy điện có tính khoa học hơn.


Nguyễn Hoài Nam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN