Mực nước trung và hạ lưu sông Mê Công gia tăng, giảm thiểu tình hình xâm nhập mặn

Trưởng phòng dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ Phùng Tiến Dũng cho rằng, do ảnh hưởng xả của Thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc), mực nước trạm Chiang Saen (Thái Lan) đã bắt đầu lên từ ngày 19/4/2022 và tăng nhanh từ ngày 21/4/2022 với biên độ nước lên khoảng 2,2 m, cao hơn trung bình nhiều năm (2012-2021) là 0,87m, cao hơn năm 2021 là 0,57m.

Chú thích ảnh
Cán bộ Đài Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ đo độ mặn trên sông Hậu. Ảnh minh họa: Thanh Liêm/TTXVN

Ngày 5/5, mực nước tại trạm Chiang Sean đang xuống và ở mức 2,55m thấp hơn trung bình nhiều năm là 0,2m, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 là 0,8m.

Theo Trưởng phòng Phùng Tiến Dũng, mực nước các trạm trung, hạ lưu sông Mê Công đang lên, mực nước tại trạm Pakse (Lào) đạt 2,34m cao hơn trung bình nhiều năm (2012-2021) là 0,6m và cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 0,33m. Mực nước tại trạm Kratie (Campuchia) đạt 8,72m cao hơn trung bình nhiều năm là 1,03m và cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 0,27m; còn tại Biển Hồ (Campuchia) mực nước tại trạm Kompongluong là 0,99m cao hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2021 là 0,33m.

"Sự gia tăng xả nước như hiện nay là tín hiệu tốt, góp phần làm giảm thiểu tình hình xâm nhập mặn đang diễn ra ở đồng bằng sông Cửu Long", Trưởng phòng Phùng Tiến Dũng nhấn mạnh.

Trưởng phòng Phùng Tiến Dũng lưu ý, từ ngày 9 - 15/5, mực nước các trạm trung, hạ lưu Mê Công tiếp tục lên, mực nước tại trạm Pakse (Lào), Kratie (Campuchia) ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 1 - 1,5m và cao hơn cùng kỳ năm 2021 từ 0,9 - 1,2m. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Tiền tại Tân Châu, sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 1,55 - 1,75m, mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,4 - 0,5m.

Trong tháng 5/2022, lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công (trạm Kratie) về hạ lưu và đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 25%, cao hơn cùng kỳ năm 2021 từ 15 - 20%. Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm và ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2021 và trung bình nhiều năm.

Trưởng phòng Phùng Tiến Dũng nêu rõ, cần một cơ chế ứng phó với biến động về dòng chảy trong tương lai là cần thiết, trong đó, phải kể đến các giải pháp quốc gia như: Chủ động kiểm soát nguồn nước trên đồng bằng, chuyển đổi cơ cấu theo hướng thuận thiên, giảm phụ thuộc vào nước ngọt, tích trữ nước tại chỗ…; và giải pháp hợp tác quốc tế, bằng việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trên lưu vực sông Mê Công vì sự phát triển, sử dụng và bảo tồn bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công.

"Mọi việc tác động đến dòng chảy ở đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta đều phải chủ động đối phó. Trong quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long, những vấn đề như: giảm dòng chảy mùa lũ, tăng dòng chảy mùa  kiệt, giảm phù sa, bùn cát đều phải được nghiên cứu và đề cập. Vấn đề lớn nhất cần ứng phó là các hồ chứa thủy điện thượng nguồn (Trung Quốc) trong tương lai gần sẽ giảm "thủy điện" mà gia tăng "thủy lợi" bằng việc chuyển nước khỏi lưu vực sông Mê Kông, lúc đó không còn là việc gia tăng nguồn nước trong mùa kiệt...", Trưởng phòng Phùng Tiến Dũng chia sẻ.

Thắng Trung (TTXVN)
Cảnh báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long
Cảnh báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do chịu ảnh hưởng của nhiễu động gió Đông, mưa dông trái mùa xuất hiện tại Tây Nguyên và Nam Bộ mưa tập trung về chiều tối và xảy ra chủ yếu ở ven biển, một số nơi có thể mưa khá lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN