Theo kế hoạch, năm 2012 TP Hồ Chí Minh sẽ xóa thêm 10 điểm ngập; 6 tháng đầu năm nay đã xóa được 7 điểm ngập và 9 điểm ngập sẽ xóa nốt trong năm 2013. Theo chương trình chống ngập úng, TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2015, toàn thành phố sẽ không còn điểm ngập.
Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đã được cải thiện môi trường. |
Tuy nhiên, bài toán chống ngập ở TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều nan giải vì nhiều nơi vẫn xuất hiện những điểm ngập mới và bị tái ngập.
Qua thực tiễn cho thấy vào đầu năm 2012, mùa mưa đến sớm hơn, cộng với bão đầu mùa sớm, lượng mưa trên địa bàn thành phố không lớn (50 đến 70 mm) thì đã xuất hiện tình trạng ngập bên trong (hẻm dân cư) và không ít điểm tái ngập cục bộ. Chiều 22/8/2012 cơn mưa kéo dài 3 giờ với lượng mưa đo được là 70 mm đã gây ngập 11 tuyến đường trên địa bàn thành phố như: Nơ Trang Long, Bùi Hữu Nghĩa và Nguyễn Xí (Bình Thạnh); đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Thập, các hẻm Nam Long (Quận 7); đường Nguyễn Văn Hóa, Kha Vạn Cân thuộc phường Linh Trung (Thủ Đức)… Ngoài ra 14 điểm đã nâng cấp chống ngập đã tái ngập trở lại như đường Phan Đình Phùng (Phú Nhuận) đầu tư nâng cao trình chống ngập lên 1 m nhưng cũng bị ngập kéo dài gần 1 giờ. Các đường bị ngập sâu hơn là: Âu Cơ, Bàu Cát, Đồng Đen (Tân Bình); đường Hòa Bình, Bà Hom, Trần Đại Nghĩa (quận Bình Tân)… Nhiều điểm ngập sâu tới 0,5 m như đường Nguyễn Xí (phường 26 - Bình Thạnh) quốc lộ 13 đoạn khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh quận Thủ Đức; chưa kể một số nơi cứ mưa là ngập, nhất là chung quanh bến xe Miền Đông... Các ngày 17, 18, 19 tháng 9/2012, đỉnh triều cường bình thường như năm trước (báo động cấp II), trời không mưa nhưng nhiều nơi ngập và tái ngập cục bộ ở các quận 8, Thủ Đức, Bình Thạnh…
Cần giải pháp chống ngập bền vững
Tiến sĩ Trịnh Hoàng Ngạn, chuyên gia về thủy lợi, cho rằng cần rà soát lại các dự án chống ngập, vì quy hoạch điều chỉnh đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt nhưng bản quy hoạch chỉ ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông và đô thị hơn là các cơ sở hạ tầng thủy lợi. Thực tiễn úng ngập trong thành phố cho thấy quy hoạch này cần phải xem xét lại, bổ sung, nâng cấp thành quy hoạch tổng hợp các ngành hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển KT-XH vì sự thịnh vượng của thành phố tương lai và đảm bảo tính bền vững để thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tiến sĩ Trịnh Hoàng Ngạn cũng nêu ra là cần xem xét các quy hoạch đã được triển khai và tính hiệu quả của nó như: Dự án quy hoạch tổng thể thoát nước của JICA 1998-2000 với mục tiêu tập trung vào tiêu nước mưa và nước thải. Thời điểm lập quy hoạch hệ thống thoát nước, yếu tố thủy triều và nước biển dâng đã không được quan tâm do thiếu số liệu thông tin… Dự án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP Hồ Chí Minh (Bộ NN & PTNT 2007-2008) nghiên cứu trong thời gian ngắn đã bỏ qua khâu sàng lọc, phân tích và kiểm định số lượng và chất lượng tài liệu dẫn đến phản ánh không đúng với thực trạng ngập dẫn theo các đề xuất chống ngập chưa hợp lý… Với dự án nghiên cứu khả thi của HASKONING 2011-2012, Tiến sĩ Trịnh Hoàng Ngạn cũng hoài nghi về số liệu dù có bổ sung số liệu thủy văn làm điều kiện mô hình thủy lực cho dự án lớn này.
Các dự án chống ngập của thành phố đang thực thi chỉ tập trung vào các điểm ngập lộ thiên trên các tuyến đường phố và chưa giải quyết chống ngập trong nhà các hộ dân có cao độ nền nhà thấp hơn cao độ mặt đường trong các quận huyện nội vi thành phố. Do đó tình trạng ngập úng của TP Hồ Chí Minh vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Các dự án chống ngập hiện nay mới là giải pháp tình thế, trước mắt. Không ít công trình chất lượng thi công rất kém, trong thời gian ngắn đã xuống cấp. Quy hoạch chống ngập thành phố vừa qua mới dừng lại giải pháp thủy lợi truyền thống, chưa gắn kết các ngành trong quy hoạch chung thành phố để trở thành chiến lược chung.
Để chống ngập úng tại TP Hồ Chí Minh, giải pháp hữu hiệu và khoa học là cần tổng kết các dự án đã triển khai vừa qua để bổ sung những điểm thiếu, nghiên cứu xử lý thông tin số liệu tổng hợp của đa ngành gắn liên vùng và nghiên cứu sâu hơn sự biến đổi khí hậu toàn cầu để xây dựng, triển khai các dự án chống ngập úng cho thành phố trong tương lai.
Bài và ảnh: Trần Quốc Thái