Tại tỉnh Yên Bái, mưa lớn đã làm 113 nhà dân bị sạt lở đất, tốc mái, ngập úng phải di dời (Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn); 0 ha lúa và hoa màu bị ngập úng hơn, gần 400 con gia cầm bị chết.
Mưa to trên diện rộng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cũng gây nguy cơ lũ quét, sụt lún, sạt lở đất, đá ở 36 xã, trong đó nhiều nhất là huyện Lâm Bình với 10 xã, huyện Na Hang 9 xã, huyện Yên Sơn 8 xã…
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh Bắc Kạn, mưa lớn đã làm 9 nhà ở bị sạt ta-luy dương, nứt nền, tường; 12,66 ha lúa bị vùi lấp; 4 ha ngô bị ngập nước; 7 tuyến đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng, trong đó đường CT299 xã Nguyên Phúc đi xã Sỹ Bình (huyện Bạch Thông) bị nước lũ tàn phá nặng nề với chiều dài hàng trăm mét.
Đường giao thông nông thôn Pác Ngòi (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể) bị sạt lở khoảng 10m3 đất, đá. Tại huyện Na Rì xuất hiện 4 điểm sạt lở, ngập nước. Tuyến đường liên thôn (Phia Chang, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn) bị sạt ta-luy âm dài 20m, nứt mặt đường. Ngoài ra, nhà văn hóa thôn Vằng Kheo, xã Mỹ Phương (huyện Ba Bể) bị sạt lở khoảng 10m3 đất đá.
Tại tỉnh Thanh Hóa, mưa lớn đã làm một đoạn bờ đê sông Mã (ở xóm Long Vân, xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc) bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa 75 hộ dân sinh sống phía trong đê. Sự cố trên làm sập một phần công trình kè và đường vận hành phía hạ lưu. Tại một số khu vực xuất hiện các vết nứt, gây sạt lở đất vào các công trình, nhà ở của hộ dân, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm hộ dân.
Vụ sạt lở nghiêm trọng tại Quốc lộ 2, Km 51 thôn Nậm Buông, xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, chính quyền địa phương đang nỗ lực giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Như vậy, tính đến 15 giờ ngày 3/10, mưa lũ đã làm 9 người chết (Hà Giang 6, Điện Biên 1, Yên Bái 1, Lâm Đồng 1), 9 người bị thương (Hà Giang), 187 nhà bị tốc mái, hư hỏng (Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Nghệ An); gần 850 ha lúa, hoa màu (Hà Giang, Bắc Kạn, Yên Bái, Lào Cai, Nghệ An); gần 72 ha cây ăn quả, cây lâm nghiệp bị thiệt hại (Hà Giang; Yên Bái); hơn 36 ha thuỷ sản bị ảnh hưởng, thiệt hại (Hà Giang,Yên Bái, Bắc Kạn, Nghệ An); trên 5.100 con gia súc, gia cầm bị thiệt hại (Hà Giang, Bắc Kạn, Yên Bái, Nghệ An); 15 công trình thuỷ lợi (Hà Giang, Bắc Kạn, Nghệ An); 5 điểm trường bị ảnh hưởng, thiệt hại (Hà Giang, Nghệ An); 173 tuyến đường giao thông nội tỉnh bị sạt lở với tổng khối lượng 22.460m3 (Hà Giang, Yên Bái, Nghệ An).
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã đến thăm, động viên những gia đình có người bị chết, mất tích và bị thương, đồng thời huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.
Để chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai còn phức tạp trong thời gian tới, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, chủ động các biện pháp ứng phó, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Các địa phương tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng, thấp thường xuyên xảy ra ngập úng để sẵn sàng phương án ứng phó; chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt.
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định chủ động triển khai ứng phó với mưa lớn, gió mạnh, sóng lớn và bão theo văn bản số 7329/BNN-ĐĐ ngày 29/9/2024; Công điện số 7341/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 30/9/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, tổ chức trực ban 24/24h, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.