Năm 2021, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu đạt doanh số cho vay 600 tỷ đồng với gần 22.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp người nghèo, người dân vùng đồng bào dân tộc, các đối tượng chính sách khó khăn có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống. Điển hình như trường hợp của ông Trần Văn Điền, ấp Ngọn, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân. Hoàn cảnh khó khăn, ông Điền được giải ngân 30 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Với số tiền này, ông Điền mua 1 con trâu nái, sau 3 năm, trâu sinh sản được 2 con nghé. Bán hai con nghé này, ông Điền đã trả xong nợ vay ngân hàng. Nhận thấy nuôi trâu sinh sản có hiệu quả, ông Điền tiếp tục được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay 50 triệu để mở rộng mô hình nuôi trâu, đồng thời nuôi thêm gà, vịt theo hướng đa con.
Cùng với ông Điền, hiện hàng trăm hộ gia đình khác cũng được Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Hồng Dân đầu tư vốn phát triển kinh tế gia đình. Các hộ gia đình áp dụng nhiều mô hình sản xuất lúa - cá - màu, chăn nuôi lợn, trồng cây ăn quả... từ đó thoát khỏi đói nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Xác định tín dụng chính sách là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách cơ bản và bền vững, Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của nguồn vốn tín dụng ưu đãi, qua đó góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương. Dự kiến trong năm 2022, Ngân hàng đề ra mục tiêu tín dụng chính sách xã hội với tổng nguồn vốn 2.540 tỷ đồng trở lên. Tổng dư nợ đạt 2.536 tỷ đồng với 23.000 lượt hộ nghèo, các đối tượng chính sách được vay vốn trong năm. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1% tổng dư nợ; tỷ lệ thu lãi đạt 98,5% trở lên.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu trên, ông Trần Quang Sơn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu cho rằng, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 06 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và các văn bản liên quan. Ngân hàng nghiên cứu, đề xuất Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng các chương trình, dự án, đề án và cân đối nguồn vốn ngân sách để ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh gắn với triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2021-2025), chiến lược phát triển 10 năm (giai đoạn 2021-2030). Đồng thời, đơn vị sẽ tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các địa phương được phân công phụ trách.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội nhằm góp phần thay đổi nhận thức, trách nhiệm, hành động của cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tín dụng chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở về nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.
Ngân hàng tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả của các tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện tại, Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu đã ký kết văn bản liên tịch ủy thác tín dụng với 4 tổ chức chính trị, xã hội cấp tỉnh, gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ; Hội Nông dân; Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên với hợp đồng ủy thác cho 251 Hội cấp xã, quản lý hơn 1.900 tổ tiết kiệm và vay vốn, dự nợ nhận ủy thác trên 2.100 tỷ đồng, chiếm hơn 99% tổng dư nợ. Đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các hội, đoàn thể được nhận ủy thác; tiếp tục kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn với mục tiêu phấn đấu tổ xếp loại tốt, khá đạt trên 70%, xếp loại yếu kém giảm còn dưới 5%.
"Xác định tổ tiết kiệm và vay vốn có vai trò quan trọng trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu sẽ cùng các địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể mở rộng mạng lưới hoạt động đến tận các khóm, ấp. Thông qua đó, các hộ nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay ngày càng tăng lên, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội", ông Trần Quang Sơn nhấn mạnh.