Nhằm bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển đảo được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế trong khám chữa bệnh cũng như nâng cao chăm sóc sức khỏe, Bộ Y tế đã xây dựng đề án phát triển y tế biển đảo đến năm 2020.
Hơn 8.200 tỷ đồng phát triển y tế biển, đảo
Đề án sẽ được triển khai qua 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2013 đến 2015 và giai đoạn 2 từ năm 2016 đến 2020 với tổng vốn đầu tư 8.200 tỷ đồng. Đề án sẽ triển khai xây dựng mới hoặc hoàn thiện các trung tâm y tế, trạm y tế với đầy đủ các trang thiết bị có thể đáp ứng nhu cầu dự phòng, cấp cứu, chữa bệnh tại chỗ cho người dân. Nguồn vốn thực hiện đề án dự kiến sẽ được đầu tư từ nguồn ngân sách sự nghiệp, trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn ODA, xã hội hóa và các nguồn vốn huy động từ các nguồn lực khác. Đề án sẽ được triển khai tại 151 quận, huyện, thị xã, thành phố của 28 tỉnh, thành ven biển trực thuộc Trung ương.
Khám bệnh cho người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: Đinh Thị Hương - TTXVN |
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận đề án này sẽ tạo sự công bằng trong tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản và một số dịch vụ y tế kỹ thuật cao, giúp chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho quân, dân đang công tác, sinh sống ở các vùng biển, đảo.
Theo Bộ Y tế, 70,5% các thành viên trong một hộ gia đình trên các huyện đảo có ít nhất một bệnh. Người dân ở đây thường mắc các bệnh tật liên quan đến nghề nghiệp đặc thù của vùng biển, đảo như: hội chứng rối loạn chuyển hóa, tim mạch, rối loạn hành vi và tâm thần, rối loạn hành vi chức năng… Bên cạnh đó, thủy thủ và ngư dân bị mắc các bệnh về răng miệng chiếm tỷ lệ 37 - 48%, cao hơn so với nhóm lao động trên đất liền. Ngoài ra, các bệnh về đường hô hấp, xương khớp, tim mạch, tiêu hóa cũng chiếm tỷ lệ khá cao.
Cần tăng cường đầu tư
Mặc dù có trên 80% hộ gia đình ở khu vực biển đảo cần được tạo điều kiện để tiếp cận với các dịch vụ y tế, đặc biệt là các dịch vụ y tế kỹ thuật cao nhưng mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe ở khu vực này còn nhiều hạn chế. Theo điều tra của Viện Chiến lược và Chính sách y tế thuộc Bộ Y tế, đến năm 2012 còn 31,1% trung tâm y tế thuộc các huyện đảo chưa có cơ sở riêng; 33,5% trạm y tế cần xây mới; trên 50% trạm y tế xã đảo không có bác sỹ; thiếu thuốc điều trị và thuốc kém chất lượng. Nhìn chung hệ thống y tế biển, đảo hiện tại vừa thiếu vừa chưa đủ năng lực chăm sóc bảo vệ sức khỏe quân dân trên biển, đảo.
Bên cạnh đó, chính sách về bảo hiểm y tế cho người dân biển, đảo còn nhiều bất cập về quy định như nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, mức thanh toán, hỗ trợ phần đồng chi trả… đặc biệt là thanh toán vượt tuyến vận chuyển cấp cứu.
Đại diện của Bộ Giao thông Vận tải cho rằng: Hiện nay khó khăn nhất vẫn là thiếu hệ thống chuyển viện cấp cứu hiệu quả trên biển. Trung tâm y tế biển, đảo không đủ phương tiện vận chuyển bệnh nhân trên đường bộ, không có phương tiện tàu thuyền riêng để vận chuyển bệnh nhân cấp cứu từ các đảo nhỏ về trung tâm y tế huyện mà chủ yếu nhờ vào phương tiện là tàu, thuyền của UBND huyện hoặc của người dân; chi phí vận chuyển bằng phương tiện công cộng rất tốn kém trong khi đó đời sống của người dân ở đây còn gặp nhiều khó khăn.
Do hệ thống chuyển viện cấp cứu còn nhiều hạn chế nên các trường hợp cấp cứu từ biển, đảo khi chuyển về đến đất liền thường không kịp thời. Đa số các bệnh thường ở giai đoạn muộn hoặc đã trong tình trạng nặng.
Đan Phương