PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã trao đổi với phóng viên báo Tin tức về các giải pháp nhằm nâng cao năng lực y tế cơ sở trong thời gian tới.
PV: Theo quy định của Luật BHYT, năm 2016, sẽ thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh tại tuyến huyện và tuyến Trung ương (đối với một số đối tượng chính sách). Để thực hiện chủ trương này, dự kiến, hệ thống YTCS sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì và đâu là giải pháp cho vấn đề, thưa ông?Ông Phạm Lê Tuấn: Dự kiến, khi thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh tại tuyến huyện sẽ có một số thách thức như: Có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng quỹ BHYT do một số người bệnh đến khám đồng thời ở nhiều cơ sở y tế; tại những cơ sở y tế tuyến huyện uy tín có thể xảy ra quá tải do người bệnh tới khám đông.
Để ngăn chặn tình trạng lạm dụng quỹ BHYT khi thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (nơi quản lý quỹ BHYT) đang khẩn trương triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở y tế. Khi đó, các đơn vị dễ dàng nhận biết về số lần thực tế mà người tham gia BHYT đã đi khám, chữa bệnh.
Bác sỹ khám chữa bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Vĩnh Trung (Hậu Giang) mới được đầu tư xây dựng. Ảnh: Thu Hiền–TTXVN |
Riêng về vấn đề giảm tình trạng quá tải tại những cơ sở y tế tuyến huyện có thương hiệu, ngành y tế địa phương phải có kế hoạch đáp ứng, đặc biệt phải đề xuất với chính quyền, tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ tuyến xã. “Hữu xạ tự nhiên hương”, khi chất lượng dịch vụ y tế tại tuyến xã được nâng lên, người bệnh sẽ tìm đến khám, chữa bệnh và sẽ không vượt lên tuyến trên để khám chữa bệnh.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế là một ví dụ điển hình về việc tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh tại tuyến YTCS. Nhờ sự ủng hộ của địa phương và kinh phí hỗ trợ một số tổ chức quốc tế, các TYT tại đây đã được xây mới khang trang gồm 2 tầng, được trang bị 17 hạng mục thiết bị chuyên môn cơ bản (máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm nước tiểu, máy phun hóa chất chống dịch…). Tất cả TYT đều có BS đã được đào tạo hoặc đào tạo lại, y sĩ y học cổ truyền, nữ hộ sinh công tác. Nhờ vậy, các cán bộ y tế yên tâm công tác hơn, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ngày càng được nâng cao, người bệnh khám, chữa bệnh tại TYT ngày một tăng.
PV: Bên cạnh việc các địa phương cần vào cuộc trong việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngành y tế sẽ triển khai những giải pháp gì nhằm cải thiện cả số lượng và chất lượng cán bộ YTCS, thưa ông?
Ông Phạm Lê Tuấn: Bộ Y tế đang tiến hành rà soát, xác định nhu cầu nhân lực tuyến YTCS về số lượng, chất lượng để xây dựng và triển khai kế hoạch đáp ứng nhu cầu nhân lực cho YTCS. Đồng thời, đa dạng hóa các loại hình đào tạo dựa trên năng lực viên chức nhằm đảm bảo nhân lực y tế phù hợp với từng vị trí công tác. Bổ sung, hoàn hiện và triển khai các chính sách đặc thù về đào tạo, tuyển dụng viên chức YTCS. Tăng cường đào tạo chuyên ngành; đào tạo bác sĩ gia đình, cô đỡ thôn bản ở vùng dân tộc thiểu số.
Tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ và y sĩ sản, nhi hoặc hộ sinh - Nguồn: Niên giám thống kê 2012 (Bộ Y tế) |
Bên cạnh đó, ngành cũng tăng cường đào tạo chính quy, đào tạo liên tục để bổ sung nhân lực cho y tế và cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn cho viên chức YTCS. Tiếp tục thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ YTCS, nhất là những vùng khó khăn. Đặc biệt, Trung tâm y tế huyện, BV huyện sẽ có trách nhiệm luân phiên viên chức y tế của trung tâm, của BV về các TYT để đảm bảo thường xuyên có bác sĩ khám, chữa bệnh nhân nhân tại TYT (2 - 3 ngày/tuần). Thực hiện luân phiên bác sĩ làm việc tại TYT xã về trung tâm y tế, BV huyện để tham gia trực và làm chuyên môn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn (1 tháng/năm). Đẩy mạnh triển khai đề án khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh giai đoạn 2013 - 2020 cho tuyến YTCS; đề án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài Chính nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 về chính sách đối với cán bộ viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, theo hướng kéo dài thời gian được hưởng phụ cấp thu hút theo thời gian công tác, có chế độ hỗ trợ về nhà ở, điều kiện làm việc nhằm khuyến khích viên chức công tác lâu dài tại YTCS vùng khó khăn.
Xin cảm ơn ông!Phương Liên