Ngậm ngùi ngày trở về
Chúng tôi có mặt tại Đồn Biên phòng Ia O, xã Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai) từ tờ mờ sáng 7/7, chờ đón chuyến xe chở 5 nạn nhân từ "động quỷ" trở về với gia đình. 5 giờ 30 phút ngày 7/7, xe về đến Đồn Biên phòng Ia O. Bước xuống xe là 5 gương mặt thất thần, vẫn còn vương sợ hãi, đang ngơ ngác tìm người thân. Mỗi người một chiếc balo, các em run rẩy vì mưa lạnh, được các anh biên phòng chuẩn bị sẵn nước, sữa, bánh mì, bánh ngọt để ăn cho đỡ đói.
Năm nạn nhân trở về lần này gồm: Puih Đại (sinh năm 1998), Puih Môi (sinh năm 2004), Puih Juội (sinh năm 2003), Puih Chiêu (sinh năm 2000) và Puih Gun (sinh năm 1995). Trước đó, 2 thanh niên cùng làng là Puih Thái (sinh năm 1994) và Puih Phú (sinh năm 2006) cũng đã được chính quyền địa phương hỗ trợ trở về nhà an toàn vào ngày 3/7.
Khi phóng viên hỏi về những chuỗi ngày bị giam cầm, đánh đập, cả 5 thanh niên đều ngừng ăn uống, trầm ngâm, không khí trong phòng chờ như "đóng băng" lại. Puih Đại vừa khóc, vừa kể về những ngày kinh hoàng bên đất khách: "Chúng tôi được về nhà là mừng lắm rồi. Nghĩ lại mấy ngày ở bên Campuchia mà dài như cả thế kỷ. Cớ ngỡ tìm được việc làm lương cao nên mấy anh em trong làng rủ nhau đi. Bây giờ nghiệm lại mới biết mình bị lừa từ ban đầu. Chúng tôi bị bắt làm việc trên các trang mạng xã hội, trong một căn phòng lớn khoảng hơn 100 người. Nhưng chúng tôi đâu có được học hành để biết làm việc trên máy vi tính nên bị đánh đập, bị bỏ đói mấy ngày trời, rồi còn bị chích điện tưởng chết đi sống lại. Chúng còn dọa bán sang nước khác để đi đánh cá ngoài biển. Biết gia đình không có tiền, nhưng bọn chúng ép gọi về nhà liên tục để đưa tiền chuộc cho chúng.
Puih Chiêu, Puih Môi, Puih Juội chỉ cho chúng tôi những mảng tím bầm trên cơ thể do bị đánh, rồi những chỗ đau nhức khi bị chích điện. Ai nấy đều chưa hết hoảng loạn, giọng vẫn run run kể về những ngày bị nhốt trong căn phòng không có chỗ đi vệ sinh, không có nước uống, không biết tiếng nước ngoài để van xin họ, các nạn nhân chỉ biết dùng cử chỉ quỳ lạy. Khi đó, ai cũng nghĩ là sẽ không bao giờ được trở về quê nhà nữa.
Sau khi được cho ăn uống và lấy lời khai, Đồn Biên phòng Ia O đưa các nạn nhân trở về nhà. Cả làng ra đón, người thân, hàng xóm, mọi người đều ôm lấy nhau mà khóc. Người khóc vì được trở về với gia đình, người khóc vì hiểu ra được sự nhẹ dạ cả tin của tuổi trẻ và nhiều người khóc vì mừng cho dân làng không mất những mạng người vô tội.
Những chiêu trò, thủ đoạn của bọn buôn người
Qua xác minh, đấu tranh và khai thác từ các đối tượng liên quan trong vụ án, Ban chuyên án của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh Gia Lai nhận định, hoạt động của các đối tượng khép kín, phân công nhiệm vụ rõ ràng, kín kẽ. Trong đó, đối tượng Trần Quang Quyết (sinh năm 2001, trú tại xã Ia Đal, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum) là một mắt xích quan trọng trong đường dây tổ chức, lừa đảo người khác xuất cảnh trái phép để cưỡng bức, bóc lột lao động.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 4/2022, Quyết liên lạc với một người qua ứng dụng Zalo có tên "Linh Đặng" để nhờ đưa Quyết qua sòng bài tại Campuchia làm việc, có ký hợp đồng. Tại đây, Quyết cũng từng bị đánh đập, chích điện, bỏ đói nếu không hoàn thành chỉ tiêu. Sau khi làm việc được 2 tháng thì Quyết vi phạm nội quy công ty (đánh game ăn tiền của Công ty) và nợ công ty 110 triệu đồng. Quyết được một người tên Phương (phụ trách nhân sự Công ty) hướng dẫn "Nếu Quyết tuyển được lao động thì Công ty sẽ trả công cho Quyết 700 USD/người" và Quyết đã đồng ý.
Quyết lên mạng xã hội đăng tuyển dụng việc làm rồi thực hiện hành vi lừa đảo. Ngày 16/6, Quyết sử dụng nickname "Bin Trần" đăng bài trên nhóm "Người Việt Nam-Campuchia" với nội dung "Bên công ty em đang tuyển nhân viên làm bên sale (tư vấn chăm sóc khách hàng) lương từ 18-20 triệu đồng/tháng, chưa tính hoa hồng, bao ăn, bao ở và có xe đưa đón tại Công ty, làm việc tại cửa khẩu Tây Ninh". Sau khi xác nhận được một tài khoản Mesenger tên "Lạc đường", Quyết vào mời chào đi lao động và biết được tài khoản này là của anh Cầm Bá Sáu ở làng Kloong, xã Ia O. Sau khi thuyết phục đi làm và bị Sáu từ chối, Quyết nói với Sáu là "Nếu Sáu tìm được người lao động sẽ trả công cho Sáu 1 triệu đồng/người".
Ngày 19/6, sau khi Sáu báo có người đồng ý đi làm thì Quyết hướng dẫn Sáu tập hợp được 5 thanh niên người dân tộc Jrai trong làng Kloong rồi thuê xe (tài xế tên Tâm, đã quen biết Quyết từ trước) chở họ vào Thành phố Hồ Chí Minh ngay trong đêm. 9 giờ ngày 20/6, xe đến địa chỉ 135 Nguyễn Văn Luông, quận 6, Thành phố Hồ Chí minh thì Quyết và Phan Ngọc Đức (sinh năm 1990, trú huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) cùng tài xế tên Nghĩa đi xe ô tô hiệu Fortuner đến đón nhóm 5 thanh niên làng Kloong đi ăn uống và nghỉ ngơi tại địa chỉ 93 Phạm Huy Thông, Phường 17, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp đó, Đức và tài xế Nghĩa đưa 5 trường hợp trên đi đến huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh và đưa qua Campuchia.
Trong ngày 20/6, Puih Thái và Puih Gun (cùng làng Kloong) đã chủ động liên lạc với Quyết để theo đi làm, Quyết hướng dẫn 2 người đi xe khách vào Bến xe Miền Đông. Đến sáng 21/6, Quyết đón họ và lại đưa 2 người này tập kết ở địa chỉ 93 Phạm Huy Thông như trên, đến trưa cùng ngày, Đức quay lại tiếp tục đưa 2 thanh niên làng Kloong qua Campuchia.
Đến ngày 22/6, khi 7 người dân làng Kloong đã đến Campuchia, Quyết nhận được điện thoại của Sáu nói là gia đình 7 thanh niên trên lên nhà của Sáu đòi người và gia đình họ đã báo cho Bộ đội Biên phòng, Công an về việc Sáu đưa người đi. Ngày 26/6, Quyết bắt xe về Đăk Lăk, ngày 27/6 tiếp tục bắt xe về Kon Tum và đến ngày 29/6, Quyết đến Đồn Biên phòng Ia O (Gia Lai) đầu thú.
Gặp Trần Quang Quyết tại Đồn Biên phòng Ia O, gương mặt điển trai, non nớt của Quyết làm chúng tôi đôi chút chạnh lòng, ai ngờ trước đó Quyết cũng là nạn nhân của bọn lừa đảo, buôn người. Để tìm đường thoát thân cho chính mình, Quyết đã tiếp tay, nằm trong đường dây của nhóm buôn người, lừa đảo người khác qua Campuchia dưới hình thức “việc nhẹ, lương cao”.
Quyết khai nhận, Phan Ngọc Đức dùng tài khoản Zalo "Đức Cọp", sử dụng tài khoản ngân hàng của vợ để chuyển cho Quyết 4 lần với số tiền 128 triệu đồng. Số tiền này, Quyết chuyển cho Sáu 3 lần với số tiền 8 triệu đồng, trả nợ 110 triệu đồng cho sòng bài tại Campuchia.
Thành khẩn khai báo các tình tiết sự việc, Quyết nhắc đi nhắc lại với chúng tôi nhiều lần câu: "Em không biết được việc làm của mình sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến vậy, em mong Nhà nước khoan hồng cho lỗi lầm của em để em có thể làm lại cuộc đời. Và em cũng muốn nhắn nhủ các bạn trẻ đừng tin lời dụ dỗ việc nhẹ lương cao nữa, toàn là lừa đảo thôi...". Có lẽ, Quyết cũng không ý thức được rằng, nếu gia đình của 7 nạn nhân kia không có tiền chuộc, có thể, họ sẽ bị đày đọa, đánh đập, bỏ đói cho đến chết bên đất khách quê người cùng những bản hợp đồng đã ký với các điều khoản hoàn toàn bất lợi cho các nạn nhân.
Tại một diễn biến khác, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh đã phối hợp với lực lượng biên phòng, Công an cơ sở, Cục nghiệp vụ - Bộ Công an, Công an TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Đăk Lăk, Kon Tum điều tra, mở rộng vụ án. Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai xác định, căn cứ hành vi phạm tội của đối tượng Trần Quang Quyết đã vi phạm vào tội “Mua bán người” quy định tại Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015, hiện Quyết bị tạm giam để phục vụ điều tra. Phan Ngọc Đức là người trực tiếp móc nối với số đối tượng ở nước ngoài, đưa những người trong nước vượt biên sang Campuchia.
Dựa vào những căn cứ thu thập được, ngày 5/7/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Phan Ngọc Đức về hành vi mua bán người. Đến thời điểm bị bắt, Đức khai đã bán 7 nạn nhân ở xã Ia O, huyện Ia Grai cho 1 đối tượng ở Campuchia, thu về số tiền trên 300 triệu đồng và chia cho Quyết 128 triệu đồng.
Ngoài 7 thanh niên bị lừa tại làng Kloong, trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng vừa ghi nhận thêm 2 trường hợp tương tự.
Theo Thượng tá Ngô Gia Cường, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Gia Lai, qua vụ việc đáng tiếc này, đơn vị cảnh báo đến người dân không nên vội tin các thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội mà phải tìm hiểu kỹ nội dung công việc, địa chỉ cụ thể tránh bị lừa gạt.
Nhu cầu tìm việc làm của người dân là chính đáng, nhưng cần tỉnh táo trước những lời lừa phỉnh, dụ dỗ về “việc nhẹ, lương cao” của các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội, để không rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang", gây hệ lụy xấu về kinh tế gia đình và tình hình an ninh, trật tự tại địa phương. Hiện tại, lực lượng Công an tỉnh Gia Lai đang tích cực điều tra mở rộng vụ án, truy xét các đối tượng liên quan, hoàn tất hồ sơ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bài cuối: Để Tây Nguyên mãi yên bình