Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, tinh thần phòng chống dịch bệnh của tỉnh Tiền Giang quyết liệt, phản ứng nhanh và có hiệu quả khi huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng vào cuộc phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng đề nghị tỉnh Tiền Giang nên nghiên cứu phương án tiêu hủy cho phù hợp và hiệu quả nhất. Bởi, đặc thù của vùng sông nước, khi đào hố chôn lấp quá sâu, sẽ bị ngập nước, nhưng nếu hố chôn nông quá, sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêu độc, khử trùng, không lơ là, chủ quan. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn cho lợn, tinh dịch phối giống lợn…; đồng thời, vận động người dân không dấu dịch, khi phát hiện nghi ngờ dịch phải báo ngay với chính quyền để có hướng xử lý.
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, tính tới thời điểm 17 giờ ngày 6/6, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 34 trường hợp lợn có dấu hiệu nghi ngờ bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 16 xã của 5 huyện gồm: H.Cái Bè, H. Cai Lậy, Thị xã Cai Lậy, H.Châu Thành và H.Chợ Gạo. Tới nay, tỉnh Tiền Giang đã tiêu hủy gần 1.000 con với tổng trọng lượng trên 48.000 kg và đang tiếp tục tiêu hủy trên 350 con lợn.
Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện toàn tỉnh đã thành lập 7 chốt kiểm dịch. Tới nay, các chốt kiểm dịch đã kiểm tra được trên 3.500 xe vận chuyển 432.000 con lợn.
Trước diễn biến dịch tả lợn châu Phi diễn ra phức tạp, thời gian tới, tỉnh Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, phòng, chống dịch. Tổ chức kiểm tra công tác tiêu hủy đàn lợn của các hộ nuôi có kết quả dương tính với dịch bệnh. Bên cạnh đó, rà soát và cung cấp đầy đủ, kịp thời các loại vật tư chống dịch, tăng cường việc kiểm dịch, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đặc biệt là lợn, siết chặt công tác kiểm tra việc vận chuyển, giết mổ và kinh doanh sản phẩm động vật.
Tại tỉnh Hà Giang, trong các ngày từ 5-7/6, Đoàn công tác Chi cục Thú y vùng II - Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi kiểm tra công tác phòng, chống, dập dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh này.
Qua kiểm tra, ông Đào Phạm Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục thú y vùng II - Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị, Hà Giang cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về dịch tả lợn châu Phi. Khi phát hiện lợn có bệnh không nên chữa mà cần phải tiêu hủy, thực hiện các biện pháp tiêu trùng, khử độc khu vực lân cận, hạn chế dịch lây lan.
Chi cục Thú y vùng II - Cục Thú y cũng khuyến cáo, Hà Giang cần có giải pháp không tăng đàn lợn trong thời điểm này, chuyển chăn nuôi sang các loại con khác thay thế phù hợp hơn để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ, đảm bảo tính công khai, minh bạch khi thực hiện việc tiêu hủy, hỗ trợ cho hộ dân khi có đàn lợn bị tiêu hủy, để tránh tình trạng người dân dấu dịch hay trục lợi từ việc hỗ trợ này. Các cơ quan chức năng cũng cần tích cực hướng dẫn nhân dân vùng chưa có dịch giết mổ đảm bảo đúng quy định.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang cho biết, tính đến ngày 7/6, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 31 xã, phường, thị trấn thuộc 8/11 huyện thành phố của tỉnh Hà Giang. Tổng số lợn chết và tiêu hủy 953 con.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang, để khoanh vùng, dập dịch tả lợn châu Phi trước nguy cơ lan rộng, hiện UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu các địa phương và sở, ngành tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ngăn chặn tuyệt đối lợn và các sản phẩm thịt lợn từ bên ngoài vào tỉnh Hà Giang; thống nhất cho giết mổ, tiêu thụ nội địa đối với lợn khỏe đã được kiểm dịch. Về mức hỗ trợ sẽ thống nhất một giá chung theo quy định của Sở Tài chính Hà Giang và được điều chỉnh theo từng tháng cho phù hợp với thực tế.
Đặc biệt, tất cả các địa phương trong tỉnh Hà Giang mở một đợt tổng tiêu độc, khử trùng từ xã đến thôn, bản và các hộ dân. Chỉ đạo các hộ chăn nuôi và các xã, thôn, bản chủ động chuẩn bị địa điểm tiêu hủy lợn. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông, mua bán, vận chuyển lợn tại các chợ, điểm giết mổ. Đối với 7 huyện biên giới của tỉnh, UBND các huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền và nghiêm cấm 100% việc vận chuyển lợn trên tuyến biên giới Việt-Trung.
Tính đến ngày 6/6, cả nước đã có 53 tỉnh, thành phố bị dịch tả lợn châu Phi với khoảng 2,3 triệu con lợn phải tiêu hủy.