"Trong một thế giới phẳng nơi mà các quốc gia, lãnh thổ đều có ảnh hưởng lẫn nhau trong giải quyết các vấn đề mang tính liên quốc gia để cùng vượt qua thách thức kép. Vì vậy, "Hợp tác để cùng vượt qua thách thức kép" chính là chìa khóa để giúp các quốc gia vượt qua dịch bệnh nhằm khôi phục kinh tế và tăng cường sức chống chịu trước thiên tai. Đây cũng là thông điệp hết sức ý nghĩa mà ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2021 muốn lan tỏa", ông Hoài nhấn mạnh
Tại Việt Nam, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thực hiện chủ trương thúc đẩy ngoại giao vaccine nhằm đảm bảo tăng tỷ lệ tiêm vaccine cho mọi người dân sớm nhất. Trong đợt mưa lũ lịch sử miền Trung tháng 10/2020, chỉ sau 1 thời gian ngắn kêu gọi, con số hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước cho đồng bào miền Trung lên đến hơn 25 triệu USD. Ngoài sự hợp tác trực tiếp, các đối tác trong phòng, chống thiên tai đã hợp tác với Việt Nam để chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ, trao đổi thông tin, đổi mới trong quản trị rủi ro thiên tai, thảm họa để các quốc gia đang phát triển tăng cường khả năng chống chịu trước thiên tai và dịch bệnh.
Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu năm 1989 do Đại hội đồng Liên hợp quốc khởi xướng để tôn vinh các nỗ lực và văn hóa toàn cầu trong đấu tranh sinh tồn với thiên tai và thúc đẩy mỗi cá nhân và Chính phủ các quốc gia chung tay xây dựng môi trường an toàn hơn trước thiên tai.
Từ năm 2009, Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai được tổ chức cố định vào ngày 13/10 hàng năm. ASEAN cũng lấy ngày này để kỉ niệm Ngày Quản lý thiên tai ASEAN. Theo Văn phòng Liên hợp Quốc về giảm nhẹ rủi ro thiên tai (UNDRR), chủ đề của năm nay tập trung vào mục tiêu của Khung hành động toàn cầu Sen-dai về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai là "Tăng cường hợp tác quốc tế để giúp các nước đang phát triển giảm nhẹ rủi ro và thiệt hại do thiên tai thông qua hỗ trợ phù hợp và bền vững để thực hiện các hành động cấp quốc gia nhằm hoàn thành các các mục tiêu của Khung Sendai vào năm 2030".