Nơi chữa lành vết thương cuộc đời
Ra đời cách đây 3 năm vào đúng ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2018, HopeBox là mô hình doanh nghiệp xã hội giúp các chị em phụ nữ Việt Nam từng bị bạo hành trong gia đình có được công việc ổn định và thay đổi cuộc sống. Mô hình doanh nghiệp xã hội này khởi đầu từ mô hình đồ ăn trưa đóng hộp cho những chị em làm việc tại văn phòng đảm nhận.
Chị Đặng Thị Hương, người xây dựng ý tưởng và sáng lập HopeBox chia sẻ: “Tôi từng chứng kiến chị T., một người quen bị bạo lực gia đình trong suốt 7 năm, mặc dù nhận được sự hỗ trợ về tinh thần và tài chính, nhưng chị T. vẫn không thể có động lực rời khỏi người chồng bạo lực. Khi đó, tôi đã có suy nghĩ phải làm được một điều gì đó thiết thực, để tạo động lực, động viên, khuyến khích và tạo việc làm cho những người phụ nữ cùng cảnh ngộ này trong xã hội, để chị em từng bước chủ động về tài chính, xây dựng cuộc sống mới, chữa lành tổn thương và thoát khỏi bạo lực gia đình”.
Năm 2017, sau khi từ bỏ công việc ở nước ngoài về Việt Nam làm việc cho một doanh nghiệp xã hội (KOTO) và tham gia chương trình Lãnh đạo trẻ Việt Úc (AVYLD), chị Hương đã được mọi người hỗ trợ xây dựng ý tưởng kinh doanh và truyền cảm hứng. Đó là những viên gạch đầu tiên biến ý tưởng HopeBox ra đời.
“HopeBox hiện có 5 nhân viên nữ, công việc chính là làm bánh cookies, các sản phẩm bánh, khô gà và vải bọc thực phẩm sáp ong. Mỗi câu chuyện của một bông hồng nơi đây tuy khác nhau, nhưng đều buồn, thậm chí đau thương trong những gia đình bất hạnh vì nạn bạo hành. Những công việc thuần túy, đơn giản, nhưng đầy sáng tạo tại HopeBox không chỉ kết nối các chị em về tinh thần, thêm thu nhập hàng tuần, còn giúp chị em miễn phí học tiếng Anh, thiền, yoga, tập kickboxing… để có thể tự vệ và nâng cao thể lực, kỹ năng xã hội…”, chị Hương hồ hởi cho biết.
Chị Đặng Thị Hương giới thiệu chị T. đang nâng niu những cành hoa hồng tươi thắm, cắt tỉa và cắm gọn gàng vào chiếc bình xinh xắn, sau đó lại vui tươi xắn tay áo nhào nặn bánh cookies, khéo léo tạo hình cho chiếc bánh nhỏ hình tròn, hình trái tim và trang trí những món quà xinh xắn, đáng yêu làm quà tặng. Chứng kiến cảnh này, ai cũng nhận thấy tinh thần của chị T. đã rạng ngời, hạnh phúc trở lại cuộc sống sau những tháng ngày bất an… Chị T. đã làm việc tại HopeBox từ những ngày đầu, nơi đây như ngôi nhà thứ hai của các thành viên chung cảnh ngộ bị bạo hành gia đình. Không gian HopeBox hiện nay luôn tràn ngập tiếng nói cười nói rôm rả, bỏ hết lại sau lưng những ám ảnh, u sầu, âu lo của cuộc sống trước đây.
Những món quà ý nghĩa đúng dịp 8/3
Trong 3 năm qua, HopeBox đã liên tục phải thay đổi các phương thức làm việc, nhất là khi dịch COVID-19 bùng phát. Chị Đặng Thị Hương luôn cố gắng để HopeBox không phải cắt giảm nhân viên, thậm chí còn nỗ lực đào tạo cho các chị em nâng cao tay nghề, phát triển thêm sản phẩm, tìm nguồn khách hàng và thu hút các chị em cùng cảnh ngộ. Hàng ngày chi phí vận hành vẫn phải đảm bảo đủ, HopeBox cũng đã triển khai nhiều hoạt động gây quỹ, xin tài trợ để có thể tồn tại và phát triển.
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 đến gần, các chị em tại HopeBox làm việc luôn tay, không ngừng nghỉ với những đơn hàng đáng yêu, trong đó, HopeBox có đơn hàng với số lượng bánh lớn cookies được Vietnam Airlines đặt dành cho hành khách nữ trên các chuyến bay. Với chị em ở HopeBox, đây là niềm tự hào vì lần đầu tiên, những món quà thủ công do họ làm ra được đưa lên các chuyến bay và tới tay hàng trăm hành khách nữ trong ngày lễ đặc biệt và càng tự hào hơn khi thấy thương hiệu HopeBox lan tỏa.
Ý tưởng đưa những chiếc bánh của HopeBox lên những chuyến bay thực ra đã được chị Đặng Thị Hương gieo hạt từ năm 2019, tuy nhiên, HopeBox khi đó mới chỉ là dự án chưa có giấy tờ pháp lý và Vietnam Airlines đã kiên nhẫn chờ đợi, dõi theo từng bước phát triển và chờ ngày hái quả. Để chuẩn bị những món quà đặc biệt cho dịp 8/3 tới, Vietnam Airlines và HopeBox đã khẩn trương làm việc trong một tháng qua từ ý tưởng, thiết kế, đến các tiêu chuẩn đáp ứng chất lượng dịch vụ 4 sao của hãng hàng không này.
Ẩn sâu trong mỗi hộp bánh nhỏ xinh là tình cảm, là hy vọng mà HopeBox muốn gửi tặng tới từng hành khách trên những chuyến bay ngày 8/3, chuyển đi thông điệp “Mỗi người phụ nữ xứng đáng được nâng niu, tôn trọng, tự do, bình đẳng, được trao cơ hội và công nhận”.
Hiện tại, HopeBox đã mở được công ty ở Úc với ban lãnh đạo tại Úc để hỗ trợ gây quỹ và thực hiện mục tiêu xuất khẩu sản phẩm trong tương lai. Tầm nhìn của HopeBox là nơi có thể trao quyền cho phụ nữ bị bạo lực giới, giúp họ thay đổi cuộc đời, trở thành đơn vị kinh doanh chuyên nghiệp và độc lập về tài chính, có khả năng tổ chức các chương trình đào tạo nghề bài bản cho phụ nữ, có cơ sở hoạt động ở nhiều địa phương để giúp đỡ nhiều phụ nữ hơn và có thể xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Cũng có lúc, chị Đặng Thị Hương tự hỏi sao mình lại chọn con đường chông gai này, vì để kinh doanh thôi cũng không đơn giản do bạo lực giới là vấn đề phức tạp trong xã hội. Thế nhưng, chị Hương đã cân bằng cảm xúc, tự tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia, bạn bè; đồng thời, tin tưởng vào những việc làm và những điều tốt đẹp sẽ tới.
Trong căn phòng nhỏ ấm áp lòng người, mùi kem bơ và đường phảng phất, quện mùi thơm của lò nướng, kết hợp với những chậu hoa hồng, lan vàng đã nở khoe sắc hương ngoài sân nhà, chị em trong HopeBox vẫn đang tiếp tục với công việc thường ngày và những tiếng nói cười đồng điệu giúp xua tan đi hết muộn phiền.