Chính quyền địa phương đang tập trung lực lượng khẩn cấp di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Ảnh: NA |
Chính quyền địa phương đang tập trung lực lượng khẩn cấp di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Ông Nguyễn Văn Phượng, xóm 5 xã Hưng Yên Nam cho biết: Sống ở dưới chân Rú Rậm đã 40 năm, nhưng đây là đợt mưa lớn gây sạt lở nặng nề nhất. Nhờ sự hỗ trợ của lực lượng dân quân tự vệ, công an, các thành viên và một số tài sản của gia đình ông đã được di dời đến nơi an toàn.
Theo thống kê sơ bộ, độ dài sạt lở của Rú Rậm là hơn 700m, độ cao khoảng 50 m. Toàn bộ khối lượng đất đá sạt lở đã tiến sát vào nhà dân, gây nhiều thiệt hại về tài sản của nhân dân. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở là do kết cấu địa chất ở đây không ổn định, đất chủ yếu là đất sỏi cốm, rời rạc, nên khi mưa lâu ngày sẽ khiến hở chân núi, tạo nên vết nứt tương đối dài và tình trạng sạt lở đất đã diễn ra.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam cho biết: Trước tình hình trên, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã khẩn trương di dời người và tài sản đến nơi an toàn; đồng thời giúp dân nạo vét bùn đất, khơi thông dòng chảy để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nhân dân.
Theo những người dân địa phương, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, người dân 2 xóm 5 và 6A, xã Hưng Yên Nam đã 2 lần phải đối mặt với tình trạng lở núi. Hiện thời tiết đang diễn biến khá phức tạp, đất đá trên núi vẫn tiếp tục sạt lở mạnh.
Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản của những hộ dân sống ven chân núi, huyện Hưng Nguyên đã tính đến giải pháp di dời dân đến sinh sống ở nơi an toàn. “Về lâu dài, địa phương kiến nghị với tỉnh, các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn tiến hành khảo sát thổ nhưỡng tại khu vực này để lập dự án xin kinh phí hỗ trợ chống sạt lở. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần rà soát lại các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng để lập dự án di dời ra khỏi vùng nguy hiểm này”, ông Hoàng Đức Ân, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết.