Một trongcác giải pháp phát triển đô thị thông minh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV |
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết: Triển khai thành công đô thị thông minh sẽ giúp đô thị trở thành một nơi đáng sống, đáng làm việc và bền vững cả ở khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn trên con đường phát triển đô thị thông minh…
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho rằng: Xây dựng đô thị thông minh là một vấn đề mới, phức tạp. Bởi vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, viện nghiên cứu về các giải pháp và cách thức tổ chức triển khai phù hợp ở Việt Nam... Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế, chính sách, hướng dẫn triển khai đô thị thông minh phù hợp với điều kiện nước ta.
Tại hội nghị, Ban tổ chức giới thiệu tổng quan về đô thị thông minh; xu hướng phát triển và kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh trên thế giới; tiêu chí đánh giá đô thị thông minh; tình hình phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam... Bên cạnh đó, một số đề xuất để triển khai đô thị thông minh ở Việt Nam cũng được gửi tới hội nghị. Trong đó, nhiều đại biểu nhất trí với đề xuất có quan điểm, cách hiểu thống nhất về đô thị thông minh, từ đó xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả; khuyến khích việc ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ cơ sở dữ liệu. Việt Nam cần xây dựng, ban hành quy định về phát triển hạ tầng gắn với quản lý đô thị thông minh; quan tâm đến công tác đào tạo, truyền thông cho đô thị thông minh.
Các đại biểu cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp xây dựng hướng dẫn, khuyến nghị các tỉnh, thành phố thực hiện đồng nhất, đặc biệt là về kiến trúc, tránh việc chạy đua hình thức mà không đi vào thực chất. Các đơn vị chức năng cần chia sẻ nhiều thông tin về thành phố thông minh để các tỉnh, thành phố hiểu đúng, làm đúng.
Ở Việt Nam, các đô thị chiếm 10% diện tích cả nước nhưng đóng góp tới hơn 70% tổng thu ngân sách toàn quốc (GDP), trong đó, 5 thành phố trực thuộc Trung ương chiếm 50% GDP cả nước. Việt Nam đã có gần 20 tỉnh, thành phố khởi động các đề án về đô thị thông minh. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) lớn đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác xây dựng đô thị thông minh với các tỉnh, thành phố.
Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước đã đưa ra mục tiêu và nhiệm vụ: Triển khai đô thị thông minh ít nhất tại ba địa điểm theo các tiêu chí do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn. Nghị quyết số 05/NQ-TW về “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế” cũng nêu nhiệm vụ ưu tiên phát triển một số đô thị thông minh.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện, bảo đảm việc đầu tư thiết thực, hiệu quả, phù hợp với khả năng cân đối vốn, điều kiện của từng địa phương, tránh đầu tư theo phong trào, gây lãng phí, thất thoát.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã khẩn trương triển khai các nội dung nghiên cứu, phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện.