Liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm
Vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cơm gà ở quán gà Trâm Anh (số 10 Bà Triệu, thành phố Nha Trang), ngày 11 - 12/3 vừa qua đã khiến gần 370 người nhập viện là vụ ngộ độc lớn nhất mở đầu cho những vụ ngộ độc xuất hiện ở Khánh Hòa.
Kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang đối với 19 mẫu thực phẩm, mẫu bàn tay, mẫu nước, mẫu bệnh phẩm, được lấy vào hai ngày 13/3 và 15/3 cho thấy: Phần cơm chan xốt trứng dương tính với Salmonella spp và chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE (độc tố ruột không ly giải hồng cầu); mẫu gà xé dương tính với Salmonella spp và chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE và BHL (độc tố ly giải hồng cầu). Ngoài ra, mẫu hành phi dương tính với khuẩn Salmonella spp; bàn tay một người phụ nữ dương tính với Staphyloccocus aureus (tụ cầu vàng); mẫu dưa chua bị phát hiện có khuẩn Bacillus cereus sinh độc tố NHE và BHL. Sở Y tế Khánh Hòa nhận định đây là vụ ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật (vi khuẩn Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus).
Khi dư âm của vụ ngộ độc cơm gà chưa dứt thì mới đây, ngày 9/4, trên địa bàn huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) lại xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng chục học sinh các cấp nhập viện. Vụ việc diễn ra vào sáng 9/4 khi hàng chục học sinh ăn cơm nắm, cơm cuộn do người dân địa phương bán trước cổng trường học. Đến khoảng 10 giờ cùng ngày, các học sinh mua và ăn thực phẩm này có triệu chứng mệt, buồn nôn, đau bụng, đi cầu phân lỏng nhiều lần... Các em được đưa đến cơ sở y tế để xử trí ban đầu. Tính đến 21 giờ ngày 9/4, có tổng số 29 ca bệnh đến khám, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn, trong đó có 7 ca nhẹ được cho về trong ngày để điều trị ngoại trú
Một vụ ngộ độc thực phẩm khác cũng đã xảy ra trước đó vào sáng 5/4, làm một em học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Trường (Nha Trang, Khánh Hòa) tử vong. Các em học sinh đã ăn sáng với nhiều món khác nhau tại các hàng quán và từ người bán hàng rong bên ngoài nhà trường, sau đó có 39 em có dấu hiệu đau bụng, nôn ói, đau đầu...
Tại Quảng Ngãi, chỉ trong một tháng đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm. Vụ gần đây nhất vào ngày 28/3, xảy ra vụ 30 học sinh ngộ độc sau khi ăn kẹo tại huyện Nghĩa Hành. Trước đó, ngày 12/3, xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn nấm tại xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, do trong nấm có độc tố Psilocin (gây ảo giác). Ngày 10/3, xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm sau khi người dân ăn bánh mì tại huyện Sơn Hà, nguyên nhân do nhiễm vi sinh vật (Salmonella).
Tại Tuyên Quang, ngày 3/4 có 92 công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất giày Chung Jye phải nhập viện nghi do ngộ độc thức ăn với các biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Họ được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Hàm Yên. Qua kiểm tra, xác định ban đầu, từ 18 giờ ngày 2/4, các bệnh nhân ăn bún trước khi vào làm việc ca đêm, các triệu chứng bệnh xuất hiện từ sáng sớm 3/4.
Ngoài ra, tại nhiều địa phương khác cũng xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm do rượu, ăn thịt cóc, ăn kẹo, ngộ độc do Botulinum toxin… Các vụ ngộ độc liên tiếp xảy ra là hồi chuông cảnh báo tình trạng mất an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố…
Các địa phương vào cuộc
Nhận định việc xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã tác động tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, xã hội của địa phương, từ ngày 8/4, UBND tỉnh Khánh Hòa tiến hành tổng kiểm tra an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn. Tỉnh kiểm tra 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, mua bán thực phẩm, mua bán thực phẩm có thịt gà. Các cơ sở chế biến suất ăn, bếp ăn tại khu công nghiệp, trường học, các cơ sở có nguy cơ cao... Đồng thời, tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng biết.
Còn tại Hà Nội, từ ngày 15/4 kiểm tra an toàn thực phẩm toàn thành phố. Các đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo, triển khai hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 tại 30 quận, huyện, thị xã về thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt chú trọng nguồn gốc và chất lượng sản phẩm thực phẩm, nông sản thực phẩm.
Thời điểm này, nhiều địa phương trong cả nước cũng phát động Tháng an toàn thực phẩm nhằm thông tin, truyền thông kiến thức, pháp luật và thực hành đúng về an toàn thực phẩm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm vệ sinh an toàn trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm… Việc này, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, bên cạnh công tác thanh kiểm tra, tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức, thay đổi hành vi, thói quen nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, nhiều mô hình điểm về an toàn thực phẩm đã thực sự phát huy hiệu quả.
Từ năm 2017, Hà Nội bắt đầu thí điểm triển khai mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát. Nhờ đó, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã sạch sẽ, vệ sinh hơn, công tác kiểm soát thực phẩm được siết chặt hơn. Đến nay 100% cơ sở tham gia vào mô hình này đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Thời gian qua, tuy chưa xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở tham gia vào mô hình này, nhưng vẫn còn tình trạng người chế biến thức ăn đường phố vi phạm quy định.
Mô hình điểm “Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn” và nhiều mô hình hiệu quả về thực hiện an toàn thực phẩm được các cấp Hội phụ nữ duy trì, nhân rộng như: “Làng 3 sạch” (Bắc Ninh), “2 dao 2 thớt”, “Nói không với chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt” (Bình Định)… đã phát huy hiệu quả thiết thực.
Tăng cường giám sát nguy cơ mất an toàn thực phẩm
Mùa hè, thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao dễ làm thực phẩm hư hỏng, ôi thiu tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc. Bên cạnh đó, thực phẩm đường phố thường trong tình trạng tình thiếu nước sạch, trang thiết bị bảo quản không đầy đủ, không bảo đảm vệ sinh; nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải, nước thải… là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm thực phẩm, gây ngộ độc cho người sử dụng.
Ngộ độc tập thể là nỗi ám ảnh của nhiều người, nhất là khi mới đây đã có trường hợp tử vong. Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo các địa phương tăng cường giám sát nguy cơ mất an toàn thực phẩm để có biện pháp phòng, chống ngộ độc, nhất là trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 8. Trong đó, cần chú ý ngộ độc do nấm độc vào mùa Xuân Hè; ngộ độc do các loại động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên (nhất là các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên);các loại thủy, hải sản có chứa độc tố tự nhiên như cá nóc, so biển, ốc biển lạ (nhất là các tỉnh, thành phố ven biển). Đặc biệt chú ý đối tượng là đồng bào vùng ven biển, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Để ngăn chặn các vụ ngộ độc hàng loạt, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế và cơ quan chức năng các địa phương tăng cường thanh kiểm tra bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố để giám sát, đặc biệt đối với dịch vụ nấu ăn lưu động cho các bữa liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người…Nếu cơ sở nào không đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hoạt động "chui" thì phải quyết liệt xử lý và đình chỉ hoạt động, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm để cảnh báo kịp thời cho người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng.