Chị Nguyễn Trang (Khương Đình, quận Thanh Xuân) cho biết: "Cách đây vài ngày, thấy ho, lạnh người, mệt và test nhanh thấy nhiễm COVID-19. Tôi đã liên hệ với trạm y tế phường theo số hotline thì được yêu cầu đến trạm y tế phường khai báo vào bản giấy. Điền xong thông tin, tôi để ở ô chờ khai báo F0, sau đó có người ra lấy tờ khai để nhập vào máy tính. Đến ngày hôm sau thì có người của tổ dân phố mang giấy cách ly đến nhà".
“Ngày hôm sau, đến lượt bạn cạnh nhà bị dương tính, ốm nằm ở nhà, tôi phải gọi điện đến trạm y tế phường khai báo thì vẫn nhận được yêu cầu phải đến trạm khai báo giấy. Khi trình bày người bị F0 đó rất mệt không thể đến y tế phường thì được yêu cầu người thân ra khai hộ. Tôi thấy rất bức xúc vì người bệnh đang ốm, lại là F0 mà vẫn yêu cầu ra trạm y tế khai báo vừa sai quy định phòng dịch, vừa làm khổ người bệnh”, chị Nguyễn Trang cho biết.
Còn anh Phạm Văn Hùng ở phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm cho biết: "Trạm y tế khai báo qua zalo nhưng mãi không thấy giấy xác nhận F0 nên phải ra trạm y tế phường lấy. Còn giấy xác nhận ốm đau để nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) thì nhân viên y tế phường nói do Trung tâm y tế quận cấp và sau 1 tuần mới có. Như vậy, tôi xác định phải nghỉ làm 1 ngày để làm những thủ tục này. Không chỉ tôi mà các bạn tôi trong khu trọ cũng rất bức xúc về cách làm việc thủ công này của trạm y tế, dù biết họ cũng phải xử lý nhiều trường hợp và cũng bị lây nhiễm trở thành F0".
Trong khi đó, chị Lê Hoa, khu chung cư tại xã Vân Khánh, huyện Hoài Đức cho biết: Khi biết là F0 tôi được hướng dẫn vào khai điện tử tại trang web: https//chamsocsuckhoe.yte360.com/landingpage. Sau đó đến tối có người ở khu dân cư mang quyết định cách ly gồm danh sách tất cả những người khai báo ngày hôm đó, chứ không có quyết định cách ly riêng từng người .
Còn anh Tạ Văn Tùng, ở Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng cho biết: “Chúng tôi khai báo qua mạng và sau khoảng 3 - 4 ngày thì có giấy xác nhận của phường về cách ly gửi về tận nhà thông qua tổ dân phố. Việc khai báo điện tử sẽ thuận lợi cho người dân và đúng quy định phòng dịch và nên được nhân rộng”.
Ghi nhận tại trạm y tế phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng trong thời gian gần đây nhiều người đến khai báo là F0 và làm thủ tục xin cấp giấy tờ để hưởng chế độ hỗ trợ của BHXH, bà Nguyễn Thị Thu, Trạm trưởng trạm y tế phường Vĩnh Tuy cho biết: "Hiện nay chúng tôi bố trí cho người dân đến trạm y tế phường để giải quyết các giấy tờ xác nhận là F0, giấy xác nhận khỏi bệnh với những người làm trong cơ quan nhà nước sẽ được đưa vào chấm công, hưởng trợ cấp của BHXH. Chúng tôi bố trí nhân lực để kịp thời hỗ trợ người dân; ngoài nhân viên y tế của trạm chúng tôi cũng được tăng cường thêm lực lượng sinh viên từ các trường để hỗ trợ các công tác thủ tục, giấy tờ, thống kê…".
"Hiện chúng tôi đang triển khai các hình thức khai báo F0 và quản lý điều trị như: Gọi điện, báo qua tổ COVID cộng đồng, khai báo trên hệ thống chamsocsuckhoe.yte.360.com, tổ dân phố cũng hỗ trợ tiếp nhận thông tin người dân qua việc khai thác thông tin trực tiếp. Với các kênh đó, chúng tôi, đã giảm bớt được việc F0 có nhu cầu khai báo mà không được tiếp nhận kịp thời. Trước đây, với hình thức gọi điện luôn quá tải nhưng hiện nay người dân đã khai báo kịp thời qua mạng, quản lý tốt hơn", bà Nguyễn Thị Thu cho biết thêm.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, hệ thống khai báo điện tử đang được Sở triển khai thí điểm, đồng thời yêu cầu các trạm y tế cơ sở ứng dụng khai báo điện tử để giảm phiền hà cho người dân.
Để quản lý bệnh nhân F0 tại nhà, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận huyện quản lý tốt các Tổ hỗ trợ quản lý và điều trị F0 tại nhà, hoàn thiện việc kiện toàn tổ COVID-19 cộng đồng để báo cáo Sở Y tế. Cùng với đó, các quận huyện cần chú trọng giải quyết các thủ tục hành chính cho các bệnh nhân F0 điều trị tại nhà.
Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục hành chính quản lý F0 tại nhà. Theo đó, Sở Y tế chủ trì phối hợp với BHXH, các đơn vị liên quan khẩn trương giải quyết về vấn đề hạ tầng, cần thiết huy động sự hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thành phố. Các đơn vị cần phối hợp triển khai gấp, không chờ tới tuần sau, tập huấn triển khai đại trà việc dùng chữ ký số, liên quan tới các thủ tục xác nhận BHXH cho người có nhu cầu.
Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng đang được đề xuất. Theo đó, Bộ Y tế đã có văn bản đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc công nhận 1 trong 7 loại giấy tờ (gồm Quyết định cách ly tại nhà do chính quyền địa phương cấp; Giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly do chính quyền địa phương cấp; Giấy xét nghiệm (test nhanh hoặc PCR) có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 do các cơ sở y tế cấp; Giấy xác nhận bị mắc COVID-19 của trạm y tế xã, trạm y tế lưu động, Tổ COVID cộng đồng, y tế cơ quan, doanh nghiệp; Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do trạm y tế xã, trạm y tế lưu động cấp nhưng cấp lùi lại thời gian trước đó người lao động đã nghỉ việc để điều trị COVID-19 tại nhà; Quyết định phê duyệt danh sách hoàn thành cách ly y tế tập trung; Phiếu xác nhận đã điều trị COVID-19 của các bệnh viện dã chiến) có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, để cơ quan BHXH có căn cứ làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động mắc COVID-19.
Trong trường hợp không ban hành Nghị quyết, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Y tế được phép công nhận 7 loại giấy tờ nêu trên có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và quy định mẫu, thẩm quyền cấp 7 loại giấy tờ này vào Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.