Mặc dù, đã có nhiều phương án trữ nước ngọt để ứng phó với đợt hạn, mặn năm nay, tuy nhiên, do mặn kéo dài và xâm nhập sâu nên đến thời điểm này, nhiều hộ dân ở xã Tiên Long đã hết nước sinh hoạt. Nhiều vườn trồng cây ăn trái cũng thiếu nước, người dân phải mua nước với giá cao để sử dụng sinh hoạt hoặc tưới tiêu cho cây trồng.
Ấp Tiên Lợi nằm trên cồn, bao quanh bởi các con sông đã bị nhiễm mặn dao động từ 10‰ trở lên. Ấp có khoảng 250 hộ dân sinh sống. Khoảng 2 tháng nay, người dân ở đây phải sử dụng nước mặn để sinh hoạt, khoan giếng lấy nước ngọt hoặc mua nước ngọt từ các sà lan để ăn uống, tắm giặt và tưới cho vườn cây ăn trái.
Người dân ở đây "khát" nước ngọt rất nhiều vì thế khi có tàu chở nước ngọt của Cục Hậu cần, Quân khu 9 cập bến, họ vui mừng chuẩn bị dụng cụ, thùng để đi chở nước ngọt. Mỗi hộ được cấp 1 m3 nước ngọt, đây là nguồn nước ngọt rất lớn đối với mỗi hộ gia đình hiện nay nên nhiều hộ không kịp sắm dụng cụ, phải trữ trong hố trải bạt trong vườn để sử dụng dần. Cập các bờ sông nơi tàu cấp nước cấp nước, người dân tụ tập chờ đợi rất đông và rất sớm để được đón nhận nguồn nước ngọt quý giá này.
Ông Phạm Văn Sum, ấp Tiên Lợi cho biết nước mặn xâm nhập cao độ, không tưới được cho vườn cây ăn quả, chỉ có một vài hộ mua nước từ các sà lan về tưới cầm chừng cho vườn cây. Còn nước sinh hoạt thì phải mua nước bình về dùng nhưng mỗi hộ chỉ mua được từ 1 – 3 thùng, chia nhau để uống. Vì thế, khi có nguồn nước ngọt của Quân khu 9 cấp về, người dân chuẩn bị dụng cụ để trữ dùng trong gia đình.
Phấn khởi vì có nước ngọt sử dụng, "giải cơn khát" mùa mặn, bà Lê Thị Thúy Loan cười vui vẻ cho biết, thật sự nước ngọt về quý hơn tiền bạc bởi có tiền lúc này chưa mua được nước ngọt mà dùng. Có nước ngọt là thấy thoải mái, có nước để nấu ăn, tắm cho con cháu.
Còn ông Nguyễn Văn Hùng cũng vui mừng cho biết, có nguồn nước ngọt của Quân khu 9 về, người dân ở đây ai cũng mừng như ngày Tết. Vì nhiều ngày qua, người dân ở cồn đều dùng nước mặn để sinh hoạt.
Mặc dù, nguồn nước được Cục Hậu cần, Quân khu 9 cấp chỉ có thể sử dụng tiết kiệm trong sinh hoạt chứ không thể tưới tiêu cho hàng trăm hecta cây trồng trên địa bàn ấp, nhưng với người dân là một niềm vui rất lớn.
Nguồn nước được bộ đội Quân khu 9 đưa lên các bồn chứa, hoặc trữ tạm trong mương của một số hộ dân cập sông Hàm Luông để người dân đến lấy trực tiếp. Đối với những hộ khó khăn không có phương tiện đi lấy nước tập trung thì được các dân quân mang nước đến tận nhà.
Toàn xã Tiên Long hiện có 837 ha trồng cây ăn trái; trong đó, chiếm diện tích nhiều là cây chôm và sầu riêng. Tuy nhiên, từ khi mặn xâm nhập hai loại cây này bị ảnh hưởng rất nặng, đến thời điểm này đã có 30% diện tích sầu riêng, chôm chôm bị cháy lá.
Theo ông Nguyễn Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Long cho biết, hiện nay, ngoài thực trạng người dân toàn xã đối mặt với thiếu nước ngọt thì diện tích cây ăn quả của toàn xã cũng thiếu nước tưới trầm trọng, người dân phải mua nước từ các sà lan chở nước ngọt từ Đồng Tháp về sử dụng. Các nhà máy cung cấp nước sạch đều bị nhiễm mặn bình quân từ 4 - 5‰ nên người dân tốn rất nhiều chi phí để mua nước ngọt dùng sinh hoạt và tưới tiêu.
Ông Nguyễn Thanh Vũ cũng cho biết, hiện UBND xã đang vận động các sà lan chở nước ngọt bán cho người dân với giá rẻ hoặc cấp miễn phí cho các hộ khó khăn, hộ neo đơn trong thời điểm khó khăn này.
Trước tình hình hạn mặn còn kéo dài, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã chỉ đạo lực lượng, đơn vị sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp đỡ nhân dân ứng phó hạn, mặn. Riêng những vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng sẽ tiếp tục có các phương án hỗ trợ nước ngọt phục vụ đời sống sinh hoạt cho người dân.
Đây là đợt cung cấp nước ngọt thứ hai do Cục Hậu Cần, Quân khu 9 hỗ trợ người dân tỉnh Bến Tre. Trước đó, tàu chở nước ngọt của Cục Hậu cần, Quân khu 9 đã chở nước ngọt cung cấp miễn phí cho người dân ở 2 xã Hòa Lộc (huyện Mỏ Cày Bắc) và An Đức (huyện Ba Tri).
Trước ảnh hưởng của hạn, mặn tác động trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của người dân Bến Tre, thời gian qua đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức đồng hành cùng chung tay sẻ chia với người dân xứ dừa vượt qua đợt thiên tai hạn, mặn như: trao tặng bồn chứa nước, cung cấp nước miễn phí...