Mặc dù chính quyền và người dân đã dùng nhiều giải pháp tình thế để đối phó nhưng sau mỗi đợt bão về, biển lại càng lấn sâu hơn vào đất liền. Nỗi lo biển "nuốt" làng đang trở nên hiện hữu, đe dọa người dân hàng ngày.
Xã Kỳ Ninh lâu nay được biết đến như một bán đảo của Thị xã Kỳ Anh vì có 3 mặt tiếp giáp biển với 10 km bờ biển. Vài năm trở lại đây, biến đổi khí hậu cùng hậu quả của thiên tai khiến tình trạng biển xâm thực ở địa phương này càng trở nên nghiêm trọng.
Hơn 1.200 hộ dân ở các thôn Bàn Hải, Tân Tiến, Tiến Thắng, Hải Hà, Tam Hải 1, Tam Hải 2 luôn phải sống trong tình trạng bất an mỗi ngày vì nỗi lo mất đất, mất nhà cửa.
Theo chân cán bộ xã Kỳ Ninh, chúng tôi về khu vực Cửa Khẩu, thôn Tam Hải 2 - một trong những điểm xảy ra tình trạng biển xâm thực nặng nhất của xã Kỳ Ninh. Khu vực này trước đây vốn là một cồn cát cao gần 5 mét và rừng phi lao hàng chục năm tuổi, thế nhưng giờ đây cả rừng lẫn cồn cát đều không còn. Bên bờ biển trải dài là lổm nhổm những gốc cây còn sót lại của rừng phi lao phòng hộ.
Chỉ tay về chiếc thuyền đang ở cách hàng trăm mét, ông Đặng Đình Khuyên, một người dân xã Kỳ Ninh cho biết: “Biển trước kia không nằm ở đây mà ở tít ngoài chiếc thuyền kia. Mỗi năm biển lại ngoạm một ít, nhất là từ sau cơn bão số 10 năm 2017, tình trạng sạt lở diễn ra trầm trọng hơn, có đoạn mạnh nhất biển lấn đến hơn 100 mét”.
Đóng bên bờ biển xã Kỳ Ninh, Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa Khẩu Kỳ Ninh thuộc Đồn Biên phòng Kỳ Khang đã không ít lần phải di dời vào sâu hơn vì biển lấn. Công tác tại đây đã nhiều năm, Thiếu tá Phùng Trung Đức, cán bộ Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa Khẩu Kỳ Ninh không khỏi xót xa khi mỗi ngày biển lại lấn sâu vào đất liền một ít.
Tình trạng biển xâm thực đã gây ra rất nhiều hệ lụy, không chỉ mất đất mà tại khu vực Cửa Khẩu lượng cát trôi đã gây ra tình trạng bồi lắng, cạn luồng lạch khiến cho tàu thuyền của ngư dân ra vào khó khăn.
Thiếu tá Phùng Trung Đức, Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa Khẩu Kỳ Ninh chia sẻ: “ Khu vực Cửa Khẩu từ trước đến nay vốn được biết đến như một âu thuyền tránh trú bão của ngư dân địa phương.
Hiện tượng biển xâm thực cùng với bồi lắng trong thời gian gần đây đã gây khó khăn cho tàu thuyền khi vào cảng tránh trú, lực lượng biên phòng đã không ít lần phải tổ chức cứu hộ tàu cá của ngư dân bị mắc kẹt do cạn luồng.”
Trong suốt 10 km đường bờ biển đi qua xã Kỳ Ninh hầu như không có nơi nào không bị biển lấn, đoạn ngắn nhất cũng bị “ngoạm” mất từ 30 đến 50 mét, có nơi mất hẳn 200 mét. Nhiều diện tích đất sản xuất, rừng chắn cát và các công trình nhà ở đã bị nước biển cuốn trôi.
Trước thực trạng này, không ít hộ dân đã phải di dời nhà cửa đi nơi khác. Những người ở lại thì luôn canh cánh nỗi lo triều cường, nước biển dâng.
Cũng như hàng chục hộ dân khác của thôn Bàn Hải (xã Kỳ Ninh, Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), nhiều năm qua gia đình ông Lê Đình Tuấn luôn phải sống trong nơm nớp, lo sợ vì nỗi lo biển xâm thực. Nhà ở cách biển chỉ dăm chục mét nên mỗi mùa mưa bão, cả gia đình phải đi trú ngụ nơi khác vì không biết sóng biển sẽ cuốn trôi ngôi nhà bất cứ lúc nào.
Ông Lê Đình Tuấn bày tỏ: “Không chỉ lo nhà cửa, đất sản xuất bị biển cuốn trôi mà cuộc sống hàng ngày của người dân chúng tôi bị đảo lộn vì thiếu nước ngọt sinh hoạt. Hiện tượng nhiễm phèn cũng làm cho các loại cây trồng không phát triển được, mọi nguồn thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào nghề biển nên vô cùng khó khăn.”
Theo ông Nguyễn Đình Duy, Phó Ban công tác mặt trận thôn Bàn Hải (xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), làng cũ trước kia nằm ngoài phía biển hơn 100 mét.
Tại thôn Bàn Hải, từ mười năm nay có khoảng vài chục hộ dân ở ven biển phải rời mảnh đất cha ông để lại chuyển vào nơi ở mới. Mặc dù người dân đã nỗ lực trồng cây phi lao, rừng chắn sóng nhiều lần nhưng đều thất bại vì cứ mỗi đợt bão về, triều cường đều cuốn đi hết.
Ông Lê Công Đường, Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh cho biết, những năm gần đây, hơn 10 km bờ biển của xã đã bị biển xâm thực từ 50 đến 70m, đoạn nghiêm trọng nhất đến hơn 150 mét. Bờ biển bị sạt lở, bồi lấp khiến Cửa Khẩu bị thu hẹp, tàu thuyền lớn không thể vào, ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của bà con ngư dân.
Chính quyền địa phương mặc dù rất muốn kè bờ, nạo vét luồng lạch nhưng nguồn lực của xã không cho phép. Xã cũng đã nhiều lần có các văn bản trình lên cấp trên để xin kinh phí nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.
Hiện trên địa bàn Thị xã Kỳ Anh có nhiều địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng biển xâm thực, hàng chục km chiều dài bờ biển đã bị cuốn trôi.
Hiện tại, địa phương đã thống kê, có phương án di dời những hộ dân bị đe dọa cấp bách. Giải pháp lâu dài vẫn là kè bờ, làm đê biển nhưng kinh phí quá lớn, địa phương đã lập tờ trình gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh tìm phương án đầu tư, xử lý.