Căn phòng rộng khoảng 30m2 trong khuôn viên trường THCS An Dương (Tây Hồ, Hà Nội) chính là nơi học tập của gần 20 học sinh khuyết tật ở các độ tuổi khác nhau.
Điều đặc biệt là lớp học này không có bảng và phấn viết như những lớp học thông thường. Bà giáo Hồ Hương Nam đi tới từng bàn, kèm từng học sinh, hướng dẫn tỉ mẩn từ cách cầm bút đến cách đánh vần chữ cái...
Bà Hồ Hương Nam quê gốc ở Thừa Thiên - Huế, là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Bà từng tốt nghiệp lớp đào tạo sư phạm cấp tốc, sau đó được điều ra Hà Nội giảng dạy. Khi nghỉ hưu, bà được nhà trường bố trí cho làm công tác dân số.
Trong quá trình vận động công tác dân số tại địa phương, bà đã gặp nhiều trường hợp trẻ em khuyết tật, gia đình khó khăn không có điều kiện cho con đi học. Với cái tâm của một nhà giáo, sau nhiều đêm trăn trở, bà quyết định mở lớp dạy chữ miễn phí để giúp các em hòa nhập với cuộc sống. Năm 1997, "Lớp học tình thương" ra đời, từ đó đến nay đã 23 năm, đây là nơi học tập của nhiều trẻ em khuyết tật.
Bà giáo Nam trải lòng: Lớp học có những em nhỏ bị câm điếc bẩm sinh hay bị liệt tứ chi, nên việc dạy học phải kiên nhẫn, rèn luyện uốn nắn từng chút, ngày qua ngày. Có những học sinh để học viết một chữ O, một chữ A có khi phải mất gần 3 tháng. “Những ngày đầu khi gom góp các em về dạy học, dạy chữ, tôi bị nhiều người phản đối, không ủng hộ. Nhiều phụ huynh còn nói “bà lẩm cẩm, bà đi về đi”. Tôi không nản lòng, sau đó một thời gian, số lượng học sinh khuyết tật được vận động tới lớp cũng nhiều hơn. Đến nay vẫn còn gần 20 học sinh ngày ngày tới lớp. Trước đó có khoảng hơn 60 em đã được 'ra trường'”, bà Nam chia sẻ.
Video tâm sự của bà giáo Hồ Hương Nam về "Lớp học tình thương":
23 năm qua, bà Nam chưa bao giờ nghĩ đến chuyện thu học phí hay bất cứ một khoản tiền nào. Nhiều khi bà còn chắt chiu đồng lương hưu để mua quà, bánh, đồ dùng học tập cho học trò của mình. Có lẽ với bà, sự yêu quý và tiến bộ của học trò chính là nguồn động viên lớn nhất giúp bà tiếp tục công việc.
Đỗ Kim Thúy (sinh năm 1990) có lẽ là học sinh lâu năm nhất trong lớp học đặc biệt này. Thúy sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mẹ mất sớm, còn Thúy bị liệt nửa người. Việc được tham gia vào lớp học đã giúp em tìm thấy niềm vui, niềm tin vào cuộc sống. Sự kiên trì của bà giáo Nam trong 17 năm qua đã giúp em đọc thông, viết thạo, tính toán những phép tính bình thường.
Theo bà Nam, khó khăn lớn nhất khi giảng dạy chính là sự chênh lệch về trình độ và nhận thức của các học trò. Trong lớp có những học sinh tự kỷ, bệnh Down, bệnh câm điếc… cần phải có giáo án và phương pháp tiếp cận khác nhau, ngoài vấn đề thời gian, cần phải có sự kiên trì.
Ông Lưu Văn Ba (Trưởng Ban phụ huynh của lớp) cho biết, trước khi biết đến lớp học này, ở nhà, con của ông gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt vì bị liệt. Theo học lớp hơn 10 năm qua, giờ cháu đã biết đọc, biết viết, nhanh nhẹn. "Gia đình tôi rất biết ơn tình yêu và sự giúp đỡ của cụ dành cho các cháu", ông Ba nói.
Ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ cho biết, không chỉ trên địa bàn phường Yên Phụ, mà các phường xung quanh như phường Nhật Tân, Phú Thượng, phường Xuân Đỉnh cũng gửi học sinh về lớp học này. Chương trình giảng dạy do bà Nam tự tích lũy và soạn riêng cho từng học sinh. Thời gian đầu, bà Nam mượn tạm được trụ sở tuần tra của cụm dân cư số 6, phường Yên Phụ để làm nơi mở lớp. Nhận thấy đây là một hoạt động tích cực cho cộng đồng, Chính quyền địa phương đã nhanh chóng bố trí lớp học tại trường Tiểu học An Dương. Sau này, khi trường phải sữa chữa, lớp học của bà Nam được bố trí sang trường THCS An Dương, dự kiến thời gian tới sẽ mở thêm 1 lớp nữa tại đây.
Video Chủ tịch UBND phường Yên Phụ Hoàng Xuân Sáng nói về lớp học đặc biệt này:
Ông Sáng cho biết thêm, chính quyền phường cũng đã kêu gọi các ban ngành đoàn thể chung tay với bà giáo Nam để hỗ trợ cho lớp học đặc biệt này. Hiện phường đã phối hợp với phòng Giáo dục của quận Tây Hồ lên kế hoạch và đề xuất ứng dụng công nghệ thông tin vào lớp học, để hỗ trợ quá trình dạy và học tốt hơn.
Năm 2014, kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, bà giáo Hồ Hương Nam được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”. Năm 2015, bà tiếp tục vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Dù đã tóc bạc, da mồi, ở tuổi 88, bà Nam vẫn luôn đau đáu về những đứa trẻ kém may mắn. Chia sẻ với chúng tôi, bà Nam tâm sự: “Thấy các cháu khuyết tật, hoàn cảnh khốn khó nhiều khi không kìm được nước mắt, sau này tôi không đủ sức đứng lớp nữa thì các cháu sẽ như thế nào…”.