Tối 27/5, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Chính sách bảo hiểm hưu trí: kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị đối với xây dựng Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi)”.
Theo bà Trương Thị Mai, chế độ hưu trí là trụ cột an sinh số một trong chính sách đảm an sinh xã hội do đó việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi hướng tới mở rộng đối tượng. Theo đó, để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, Nhà nước có chính sách để khuyến khích, hỗ trợ lao động trong khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi hướng tới cân đối quỹ bảo hiểm xã hội thông qua việc xây dựng lộ trình hợp lý nhằm điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc mức hưởng phải dựa trên cơ sở mức đóng và tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đảm bảo cân đối với thời gian hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết: Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động thông qua các chính sách thúc đẩy việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí và cân đối quỹ bảo hiểm xã hội; bổ sung thẩm quyền của tổ chức bảo hiểm xã hội, Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội; các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn…
Tuy nhiên, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Việt Nam cho rằng: Chưa đủ cơ sở để thuyết phục quỹ bảo hiểm xã hội sẽ mất cân đối vào năm 2034. Bởi đơn giản nếu so sánh với mức tiền gửi Ngân hàng theo lãi suất hiện hành thì chúng tôi đang đặt câu hỏi số tiền sinh lợi đang đi đâu?
Ông Mai Đức Chính đưa ra bài toán: Theo tính toán sơ bộ quá trình đóng BHXH của một công chức loại A1 từ năm 2014 với bậc lương khởi điểm là 2,34. Giả sử 3 năm tăng một bậc lương, mức lương cơ sở không tăng và lãi suất gửi ngân hàng là 6%/năm.Nếu người đó dùng khoản tiền 22% của người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động hàng tháng không đóng vào quỹ BHXH mà gửi ngân hàng với mức lãi suất thấp nhất 6%/năm và không rút lãi trong vòng 30 năm thì tổng số tiền người đó được là hơn 800 triệu đồng. Với số tiền này thì tiền lãi hàng tháng được hưởng đã là 4,0 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó nếu dùng số tiền đó đóng BHXH thì sau 30 năm, tiền lương bình quân cả quá trình đóng BHXH của công chức đó là 4,4 triệu đồng/tháng, nếu công chức đó là nam thì lương hưu được hưởng là 2,85 triệu đồng/tháng (mức hưởng 65% lương bình quân). Nếu là nữ thì lương hưu được hưởng là 3,3 triệu đồng/tháng (bằng 75% lương bình quân).
Từ bài toán này cho thấy, tiền lãi gửi ngân hàng sẽ cao hơn tiền lương hưu khi đóng BHXH, do đó nói vỡ quỹ là điều khó chấp nhận - ông Mai Đức Chính cho biết.
Ngoài ra, hiện nay mỗi tháng người lao động và người sử dụng lao động đóng góp cho quỹ hưu trí là 22% lương, nghĩa là mỗi năm họ đóng góp là 2,6 tháng lương cho một người lao động. Tuy nhiên dự thảo Luật chỉ đề xuất mức hưởng BHXH một lần đối với người chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu là bằng 2,0 tháng lương bình quân cho mỗi năm đóng BHXH. Nếu chưa tính đến số tiền lãi quay vòng hàng năm thì người lao động đã bị thiệt mỗi năm ít nhất là 0,6 tháng lương bình quân đóng BHXH, nếu tính cả số tiền lãi đã gửi sau 19 năm đóng BHXH thì số tiền BHXH một lần người lao động nhận được chỉ bằng một nửa số tiền mà họ đã đóng góp cho quỹ BHXH. Đây là một sự bất công nếu so với gửi Ngân hàng. Từ bài toán này có thể thấy gửi tiền vào Ngân hàng lợi hơn tham gia BHXH.
Bên cạnh đó là tình trạng nhiều doanh nghiệp lách đóng bảo hiểm xã hội trên tổng mức thu nhập, khảo sát của Tổng liên đoàn lao động cho thấy, tổng thu nhập của công nhân các lĩnh vực da giày, may mặc, cao su… khoảng 4-5 triệu đồng/tháng nhưng hợp đồng chỉ ghi có 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng. Con số thất thu đang gây nhiều thiệt thòi cho công nhân. Khảo sát cho thấy, công nhân, người lao động không đồng ý với việc tăng tuổi nghỉ hưu bởi lý do sức khỏe, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết.
Trước bài toán so sánh giữa việc gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng và việc đóng Bảo hiểm xã hội, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội thừa nhận bài toán của Tổng Liên đoàn Lao động khiến tổ soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi phải xem xét lại cách tích. Đại đa số các đại biểu Quốc hội tham dự tọa đàm cũng thừa nhận việc quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội hiện nay còn rất nhiều bất cập và cần được giải trình chi tiết hơn theo hướng đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Xuân Cường