Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 13/10, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Trung Bộ nối với bão số 7 kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên các tỉnh Trung Trung Bộ còn có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 20-50 mm, có nơi trên 70 mm; riêng ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế khoảng từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mm. Từ đêm 13/10 mưa giảm dần.
Từ 9-15 giờ ngày 13/10, tại các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa phổ biến từ 20-50 mm, có nơi trên 80 mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi.
Từ ngày 14-16/10, do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to và rải rác có dông với tổng lượng mưa phổ biến 150-350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn được đặt ở cấp 2.
Trên biển, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với bão số 7 trên khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) ngày 13/10, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10, giật cấp 12; sóng cao 2,0-4,0 m, vùng gần tâm bão từ 5,0-7,0 m; biển động rất mạnh. Ở vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, từ đêm 13/10 có gió bão mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 3-5 m.
Vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng cao từ 2,0-3,0 m, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1; riêng khu vực Bắc Biển Đông và vịnh Bắc Bộ cấp 3.
Các chuyên gia khuyến cáo ngư dân và các thuyền viên cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết. Khi nhận được tin bão, áp thấp nhiệt đới thì tùy thuộc vào vị trí của tàu thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới mà kịp thời cho tàu thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới.
Cần điều khiển tàu thuyền tránh xa vùng bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng đi tới. Nếu tàu thuyền đang nằm ở phía bên phải hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới thì phải cho tàu thuyền chạy ngược gió, gió thổi lệch mũi trước mạn phải, góc lệch lớn hay nhỏ tùy thộc vào sức đẩy của tàu thuyền, tức là chạy về hướng Bắc - Đông Bắc. Nếu tàu thuyền đang nằm ở phía bên trái hoặc ở ngay trên đường bão, áp thấp nhiệt đới đang di chuyển tới thì cho tàu thuyền chạy xuôi gió, gió thổi vào đuôi tàu thuyền từ mạn phải, tức là chạy về hướng Nam - Tây Nam.
Cần chú ý khi điều khiển tàu thuyền tránh bão, áp thấp nhiệt đới trên biển phải luôn luôn giữ cho tàu thuyền cách tâm bão, áp thấp nhiệt đới một khoảng tối thiểu từ 350-400 km - khoảng 200 hải lý. Khi không thể tránh xa vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới mà lọt vào vùng gió bão, áp thấp nhiệt đới thì cần bình tĩnh, tập trung mọi khả năng đưa tàu thuyền nhanh chóng thoát ra khỏi vùng bão, áp thấp nhiệt đới.