Để phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy rừng, UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trong tỉnh tăng cường bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trong thời kỳ cao điểm mùa khô năm 2020. Đặc biệt, tỉnh sẽ xử lý nghiêm theo đúng pháp luật đối với các đối tượng cố ý gây cháy rừng, hủy hoại rừng.
Theo thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng của Cục Kiểm lâm, tỉnh Bình Thuận đang có cấp cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp IV (rất nguy hiểm) và cấp V (cực kỳ nguy hiểm). UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố thông báo cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn thực hiện nghiêm việc đăng ký thời gian đốt xử lý thực bì trồng rừng và đốt nương làm rẫy cho UBND cấp xã để theo dõi, hướng dẫn nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình sử dụng lửa.
UBND các huyện, thị xã chỉ đạo UBND cấp xã, chủ rừng thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát chặt các hoạt động canh tác nương rẫy; hướng dẫn người dân về kỹ thuật phát dọn thực bì, tuyệt đối không đốt nương, làm rẫy trong những ngày thời tiết khô hanh. Cùng đó, tuyên truyền sâu rộng để mỗi người dân hiểu, chấp hành và thực hiện, không dùng lửa trong rừng, ven rừng, dùng lửa để dọn thực bì trong những ngày khô hanh, có dự báo cấp cháy rừng cao, nhằm hạn chế thấp nhất cháy rừng xảy ra.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo xử lý nghiêm theo đúng pháp luật đối với các đối tượng cố ý gây cháy rừng, hủy hoại rừng; các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu của các chủ rừng, cơ quan, đơn vị mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả và khi có cháy rừng xảy rảy ra, không tổ chức chữa cháy kịp thời.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chủ rừng nhà nước (Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng) đảm bảo quân số gồm: lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách làm nồng cốt, có sự tham gia thường xuyên của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng và Kiểm lâm địa bàn để tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, canh gác lửa rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng; ứng trực 24/24 giờ tại các chốt, trạm bảo vệ rừng trong các ngày khô hanh, nắng nóng kéo dài. Các cơ quan chức năng có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương để tăng cường lực lượng, phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng cho các trạm, chốt bảo vệ rừng; không để người dân tự ý vào rừng sử dụng lửa khi cảnh báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V.
Thời gian qua, việc phòng chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh được các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ. Trong năm 2019, toàn tỉnh đã thực hiện 1.300 km đường băng cản lửa, 6 chòi canh lửa kiên cố; trang bị 160 máy móc thiết bị và 3.300 công cụ thủ công. Đồng thời, thành lập 120 ban chỉ huy phòng chống cháy rừng các cấp, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống cháy khẩn cấp xảy ra. Tỉnh có 118 thôn xây dựng hương ước bảo vệ rừng. Ngoài ra, các hộ dân sống trong khu vực có rừng đã ký cam kết bảo vệ rừng.