Tình hình dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc diễn biến phức tạp, dịch có xu hướng gia tăng trong những dịp đầu năm. Một số tỉnh có ổ dịch cũ tiếp tục có những ca bệnh mới và đã xuất hiện các trường hợp mắc tại một số quốc gia khác.
Nhận định của Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh cúm A(H7N9) tại buổi họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người chiều 28/1 tại Hà Nội cho biết: Dịch cúm H7N9 xuất hiện ở một số tỉnh gần Việt
Nam, cụ thể là tỉnh Quảng Đông với 111 trường hợp mắc. Đây là địa bàn có
số người Việt Nam đi du lịch, giao lưu thương mại và trao đổi hàng hóa
lớn. Chính vì vậy, nguy cơ dịch cúm A(H7N9) xâm nhập vào Việt Nam là rất
lớn.
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu hiện nay Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) ở người và trên gia cầm. Tuy nhiên, vi rút cúm A(H7N9) lưu hành ở các đàn gia cầm, nhưng không có biểu hiện triệu chứng nên rất khó trong việc phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát dịch bệnh.
Việc phát hiện vi rút cúm A(H7N9) trên các đàn gia cầm hiện chủ yếu phát hiện từ mẫu bệnh phẩm được lấy từ môi trường tại các chợ buôn bán gia cầm sống. Tại Trung Quốc cũng như Việt Nam đang là thời điểm mùa đông – xuân rất thuận lợi cho sự phát triển và lan rộng của vi rút cúm.
Bên cạnh đó, các hoạt động vận chuyển, giết mổ gia cầm và di chuyển của người dân trong dịp tết và trong các hoạt động lễ hội cũng dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra thiết bị, thuốc men phòng chống dịch tại phòng khám Đa khoa Khu vực Đồng Đăng, Lạng Sơn. Ảnh: Hoàng Nam-TTXVN. |
Cục trưởng Trần Đắc Phu khẳng định, năm 2015, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc mới bệnh cúm A(H5N1), (H5N8) và cúm A(H5N2) trên cả gia cầm và người. Trong năm 2014 và 3 tuần đầu năm 2015, ngành y tế đã xét nghiệm 5.907 mẫu bệnh phẩm bệnh nhân có hội chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp tính và viêm phổi nặng.
Kết quả chung cho thấy: Trong số các trường hợp viêm đường hô hấp cấp chủ yếu là chủng vi rút cúm B chiếm 58%; tiếp đến là chủng vi rút cúm A(H3) chiếm 29% và chủng vi rút cúm A(H1N1) chiếm 13%; không ghi nhận cúm A(H7N9) tại Việt Nam.
Thời gian tới, ngành y tế tập trung phòng chống dịch bệnh mùa đông – xuân và phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán; tăng cường kiểm dịch y tế biên giới, triển khai thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự xâm nhập của bệnh cúm A(H7N9) và các chủng vi rút cúm gia cầm khác vào Việt Nam.
Ngành y tế đẩy mạnh việc tổ chức phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị, thực hiện tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, giảm các trường hợp nặng và hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp tử vong; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan rộng, kéo dài. Đồng thời, ngành y tế rà soát trang thiết bị, hóa chất, vật tư, thuốc phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; duy trì các hoạt động của đội cơ động chống dịch, cấp cứu lưu động, trực cấp cứu điều trị bệnh nhân.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: Diễn biến tình hình dịch cúm khá phức tạp và khó tiên đoán. Chính vì vậy, khả năng lây nhiễm dịch cúm vào nước ta là hoàn toàn có thể, đặc biệt là cúm A(H7N9). Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành tăng cường giám sát tại cộng đồng, trong bệnh viện; tất cả các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp nặng đều phải được lấy mẫu giám sát phát hiện chủng cúm để kịp thời cách ly và điều trị hiệu quả.
Đồng thời, ngành y tế tăng cường phối hợp liên ngành; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng chống bệnh cúm. Hệ thống điều trị chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, đặc biệt là tổ chức tập huấn cho các cán bộ y tế về điều trị và xử lý khi có ca bệnh nghi ngờ...
Thu Phương (TTXVN)