Khu vực mỏ khai thác titan ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã từng xảy ra sự cố vỡ hồ chứa nước đãi titan hồi năm 2016. |
Thống kê cho thấy, Bình Thuận là địa phương có trữ lượng và tài nguyên titan lớn nhất cả nước với 599 triệu tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng quặng titan của cả nước.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, hiện nay, tổng diện tích đưa vào kỳ Quy hoạch thăm dò, khai thác titan đến năm 2020 là 26 khu vực với 19.527 ha; trong đó, 8 khu vực chưa cấp phép thăm dò khoáng sản, 10 khu vực đã cấp giấy phép thăm dò, 8 khu vực đã cấp giấy phép khai thác. Đối với 8 giấy phép khai thác đã cấp, đến nay có 4 giấy phép xây dựng cơ bản mỏ và hoạt động khai thác, diện tích khai thác khoảng 170 ha. Các dự án thăm dò, khai thác titan theo quy hoạch phần lớn nằm dọc ven biển, có địa hình cao so với các dự án, khu dân cư xung quanh; bị chồng lấn với các dự án khác và quy hoạch du lịch; an toàn khu vực mỏ không cao khi đi vào hoạt động, đã xảy ra các sự cố về môi trường trong hoạt động khai thác titan.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, Bình Thuận là địa phương khô hạn nhất cả nước, nguồn nước mặt, nước ngầm tại địa phương rất khan hiếm. Tuy nhiên, hoạt động khai thác titan lại cần rất nhiều nước. Phần lớn các khu vực quy hoạch dự án khai thác titan đều nằm ven biển, nơi có nhiều diện tích phân bố cát rộng lớn và hạn chế nguồn nước ngọt. Tại đây chỉ có các ao, hồ có nước vào mùa mưa nhưng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, không đủ nguồn nước để phục vụ khai thác titan. Vì vậy, nếu càng nhiều khu vực được quy hoạch dự án khai thác titan, nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và canh tác của người dân càng ít và chất lượng càng bị ảnh hưởng.
Qua kết quả đánh giá của dự án Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất vùng cát ven biển tỉnh Bình Thuận, nguồn nước dưới đất hiện nay và nhất là khu vực ven biển của tỉnh chỉ được khai thác nước dưới đất tối đa không quá 28.000m3/ngày đêm. Như vậy, nước dưới đất ven biển chỉ đáp ứng cho sinh hoạt và một số lĩnh vực thiết yếu, không đủ khả năng cung cấp cho việc khai thác tuyển quặng titan. Trong khi tình trạng khai thác nước dưới đất của các doanh nghiệp khai thác titan trong thời gian dài cũng không kiểm soát chặt chẽ, chưa kể vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ khai thác dẫn đến nguy cơ mất cân bằng nguồn nước trong toàn vùng… Bên cạnh đó, nếu như sử dụng nước biển để tuyển quặng, nước biển từ trên các gò cao dễ dàng thấm vào đất, cát, ảnh hưởng các giếng nước ngọt mà người dân đã sử dụng, hủy hoại đất nông nghiệp quanh khu vực khai thác…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Văn Cánh, Chủ tịch Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam cho biết, khai thác titan cần một lượng nước lớn, đồng thời cũng thải ra một lượng nước thải rất lớn. Nếu khai thác titan, tuyệt đối không được sử dụng nước biển để bơm vào moong khai thác, vì sẽ làm mặn hóa tầng chứa nước và không biết bao giờ mới phục hồi lại được. Ở Bình Thuận, do các tầng chứa ít nước nên tuyệt đối không nên lấy thêm nguồn nước ngầm phục vụ khai thác mỏ. Nếu không đủ nước để phục vụ khai thác, phải có giải pháp cấp nước vào moong bằng các nguồn nước từ xa chuyển tới…
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Trung Thuận, đại diện Trung tâm con người và thiên nhiên, khai thác titan ở Bình Thuận cần cân nhắc các vấn đề về thay đổi bề mặt địa hình, không nên khai thác quá ngưỡng phục hồi nguồn nước ngầm trong cồn cát, phân tán các chất phóng xạ trong quặng titan… Những tác động bất lợi của khai thác, chế biến titan đến môi trường như: Xáo trộn các tầng cát, phá hủy thảm thực vật trên cồn cát, nguy cơ hoang mạc hóa và sự cố môi trường… và những ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch ven biển cũng cần được quan tâm.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết, UBND tỉnh đã kiến nghị các bộ, ngành về quy hoạch titan, công tác quản lý hoạt động titan trên địa bàn tỉnh. Theo đó, quan điểm của tỉnh trong việc điều chỉnh Quy hoạch titan trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, phù hợp tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, cảnh quan. Mỗi khu vực khoáng sản titan đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác titan đều phải được xem xét lợi ích và hiệu quả cụ thể, so sách lợi thế đầu tư, xem xét tình hình thực tế tác động của từng dự án đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, mức độ ảnh hưởng đến dân sinh, môi trường theo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Thông báo số 01/TB-VPCP ngày 02/01/2018 của Văn phòng Chính phủ.
Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tạm dừng cấp mới giấy phép thăm dò quặng titan cho đến khi ban hành Quy hoạch titan điều chỉnh, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 11408/VPCP-CN ngày 30/12/2016. UBND tỉnh đề nghị rà soát thật kỹ những khu vực nào có trữ lượng, tài nguyên khoáng sản tương đối lớn, tập trung có khả năng sẽ đầu tư khai thác trong tương lai mới đưa vào dự trữ khoáng sản. Đối với các khu vực còn lại, đề nghị đưa hẳn ra khỏi khu vực dự trữ titan, để thuận lợi cho việc chấp thuận đầu tư các dự án khác.
Bình Thuận là tỉnh có lượng nước mặt và nước ngầm rất khan hiếm, Quy hoạch cần nêu rõ các giải pháp đầu tư công trình và cung cấp nước mặt cho hoạt động khai thác quặng titan; nếu không có đủ nguồn nước mặt không đưa vào quy hoạch titan.