Tuy nhiên, công tác quản lý, khai thác, bảo dưỡng và bảo vệ công trình cấp nước bị bỏ ngỏ trong thời gian dài khiến nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng, không thu được tiền sử dụng nước, không đảm bảo chất lượng nước cung cấp cho nhân dân...
Đây là những đánh giá được đưa ra tại Hội nghị đánh giá một năm thực hiện chỉ thị 08/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý vận hành bảo dưỡng và bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai được tổ chức tại TP Lào Cai ngày 28/7.
Trong giai đoạn này, nhiều nguồn vốn từ những chương trình khác nhau như: Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình 134, 135, 120 và nhiều nguồn vốn nước ngoài được đầu tư cho các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn của tỉnh Lào Cai với tổng số tiền lên tới trên 458 tỷ đồng.
Từ những nguồn vốn này, tỷ lệ dân số nông thôn Lào Cai được cấp nước sinh hoạt đạt trên 83%, số xã đạt tiêu chí 17.1 (tiêu chí về nước sinh hoạt trong xây dựng nông thôn mới) là 65/143 xã, đạt tỷ lệ 45,5%. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.015 công trình cấp nước tập trung tự chảy và trên 33.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, công suất thiết kế đảm bảo cấp nước hợp vệ sinh cho trên 86% dân số.
Việc đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn xây dựng qua nhiều thời kỳ, lồng ghép nhiều nguồn vốn, nhiều chủ đầu tư với mục đích đầu tư mang tính hỗ trợ nhân dân cải thiện điều kiện sử dụng nước hợp vệ sinh, phục vụ xóa đói giảm nghèo, không vì mục đích kinh doanh nên công trình đầu tư đơn giản, chất lượng nước cung cấp chỉ đạt mức hợp vệ sinh.
Cùng với đó, các đơn vị quản lý khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tại Lào Cai hầu như không có kinh phí hoạt động, không thu được tiền sử dụng nước và việc thực hiện chính sách hỗ trợ sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn còn nhiều bất cập.
Trong tổng số trên 1.000 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thì chỉ có 96 công trình thu được tiền sử dụng nước (chiếm tỷ lệ 9,5%), với mức thu bình quân từ 1.000 - 2.000 đồng/m3, còn lại 919 công trình không thu tiền nước theo quy định. Do phần lớn các công trình không thu đủ hoặc không thu được tiền nên tổ chức, quản lý công trình không có kinh phí để hoạt động, nhất là chi thù lao cho người trông coi.
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí sửa chữa công trình (10.000 đồng/người/năm) theo quyết định 59/2011/QĐ-UBND và hiện nay là quyết định số 14/2016/QĐ-UBND qua kiểm tra tại 9 huyện thành phố cho thấy đều chưa được thực hiện do hầu hết các xã không lập kế hoạch hoặc một số xã có lập, nhưng không đuộc UBND huyện cấp kinh phí hỗ trợ.
Mặc dù cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đã hướng dẫn và đôn đốc cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện nhiều lần, nhưng đến nay chưa có công trình nào được hỗ trợ kinh phí. Từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh Lào Cai hằng năm đều giao kinh phí sửa chữa bảo dưỡng các công trình kết cấu hạ tầng cấp xã cho các huyện với mức 2 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, các huyện chủ yếu dành kinh phí này cho sửa chữa những công trình khác, chưa bố trí kinh phí để sửa chữa công trình cấp nước.
Ngoài ra, việc thiếu trầm trọng đội ngũ cán bộ chuyên môn (100% số xã không có cán bộ chuyên môn được đào tạo chuyên ngành thủy lợi) đã dẫn tới hạn chế trong công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện quản lý, khai thác công trình.
Khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành chỉ thị 08/CT-UBND ngày 8/7/2016 về việc tăng cường công tác quản lý vận hành bảo dưỡng và bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, sau một năm thực hiện, công tác quản lý, khai thác, bảo dưỡng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn mặc dù đã có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả rõ rệt.
Cùng theo ông Tuấn, thời gian tới tỉnh cần nghiên cứu ban hành chính sách cấp bù giá tiền nước sinh hoạt nông thôn; giao Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các huyện là đầu mối chuyển giao kỹ thuật, quản lý, khai thác công trình thủy lợi và các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn; đồng thời trực tiếp tham gia quản lý khai thác một số công trình cấp nước có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, đặc thù trên địa bàn...