Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, từ ngày 7/10 đến ngày 18/10, địa bàn huyện Đức Linh xảy ra mưa lớn kéo dài, nước từ khu vực xã Đức Phú, Nghị Đức và thượng nguồn đổ về nhiều, mực nước sông La Ngà cao nên nước trong đồng thoát ra không được, gây đổ ngã, ngập úng một số diện tích lúa mới sạ từ 3 đến 15 ngày tuổi và lúa đang làm đòng. Bên cạnh đó, ngày 15/10, hồ thủy điện Hàm Thuận điều tiết nước qua tràn xả lũ với lưu lượng 25 m3/s, cộng với lưu lượng chạy máy phát điện hàng ngày (24/24 giờ) là 125 m3/s, tổng lượng nước về hạ lưu sông La Ngà là 150 m3/s, làm mực nước sông duy trì ở mức cao, nước ngập trong các cánh đồng sản xuất không tiêu thoát ra sông được; thời gian ngập úng kéo dài.
Người dân đã được cảnh báo tình hình thời tiết trong tháng sẽ có mưa, khả năng xảy ra ngập lụt trên diện rộng để chủ động phòng ngừa, ứng phó. Tuy nhiên, đây là mùa vụ gieo trồng vụ Mùa, các hộ dân đã xuống giống vụ Mùa nên khi có mưa, nhất là ở thượng nguồn các sông, suối đổ về vùng đồng bằng, các cánh đồng sản xuất nông nghiệp, các hệ thống kênh tiêu thoát không kịp làm ngập úng một số diện tích lúa mới gieo sạ là không tránh khỏi.
Theo thống kê, tính đến ngày 18/10, tổng diện tích bị ngập lụt là 1.250 ha; trong đó hơn 1.130 ha lúa; ha diện tích nuôi trồng nông nghiệp - thủy sản sen- cá bị ảnh hưởng. Một số xã bị thiệt hại nặng như: Đa Kai, Sùng Nhơn, Mê Pu, thị trấn Võ Xu… Ước giá trị thiệt hại gần 10 tỷ đồng.
Ngay sau khi mưa lũ, ngập lụt xảy ra, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện phối hợp với các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra các khu vực bị ngập lụt và hướng dẫn, bàn các biện pháp khắc phục nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại. Địa phương khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ, triển khai khơi thông dòng chảy, kênh tiêu thoát lũ, tạo thoát nước nhanh, giảm tối đa thiệt hại về sản xuất ngay sau khi lũ rút.