Theo thống kê của Tổng cục Thủy lợi, hiện cả nước có trên 6.600 hồ chứa các loại, trong đó trên 330 hồ chứa trong tình trạng xung yếu, đặc biệt có 64 hồ chứa trên 1 triệu m3 rất xung yếu và có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Trước thực trạng này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Duy Hiển, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp cấp bách đảm bảo an toàn công trình cũng như kế hoạch ứng phó sự cố khi tình huống xấu xảy ra.
Với vai trò là cơ quan quản lý, xin ông cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những giải pháp cũng như kế hoạch ứng phó sự cố như thế nào khi tình huống xấu xảy ra?
Trước tình trạng có nhiều hồ thủy lợi xuống cấp, không đảm bảo an toàn như hiện nay, vấn đề đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi được đặt lên hàng đầu. Để đảm bảo an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ 2013 và có đủ nước phục vụ sản xuất trong mùa khô 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Chỉ thị số 1057/CT-BNN-TCTL ngày 29/3/2013 yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ 2013. Đồng thời, Tổng cục Thủy lợi đã có văn bản 378/TCTL-QLCT ngày 15/4/2013 hướng dẫn và đôn đốc các địa phương thực hiện công tác kiểm tra, báo cáo hiện trạng công trình thủy lợi trước mùa mưa bão 2013.
Tràn xả lũ hồ chứa nước Auyn Hạ, tỉnh Gia Lai.Ảnh: Sỹ Huynh- TTXVN |
Để đảm bảo an toàn các hồ chứa, các địa phương cần triển khai một số giải pháp cấp bách như: Nâng cao năng lực quản lý, kiện toàn tổ chức phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn ở địa phương trong đó chú trọng thành lập ban chỉ huy phòng chống lụt bão đối với hồ chứa để chỉ đạo, điều hành và quyết định khi tình huống khẩn cấp xảy ra. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa vì thực tế nhiều hồ chứa chưa có quy trình vận hành nên khi mưa bão còn lúng túng, dẫn đến tình trạng hồ yếu nhưng vẫn giữ mực nước cao hoặc hồ tích nước lớn hơn mực nước dâng bình thường, dễ xảy vỡ hồ. Đặc biệt, phải kiểm tra hiện trạng các công trình đầu mối, các cống, tràn để phát hiện xử lý khắc phục sự cố ngay, đảm bảo công trình vận hành bình thường. Trong đó, chú trọng đến việc vận hành thử, vì trên thực tế nhiều công trình khi kiểm tra không cho vận hành thử nên khi bão lũ xuất hiện không thể vận hành được. Thậm chí nhiều hồ đã tích nước sớm đến khi xuất hiện bão lũ thì không có dung tích để điều tiết khiến mực nước dâng cao gây vỡ đập thậm chí có trường hợp để mực nước tràn qua công trình xả lũ gây kẹt cửa không vận hành được cửa tràn để tháo lũ.
Bên cạnh đó, phải kiểm tra các kho bãi, vật tư dự phòng phòng chống lụt bão, những vật tư thiếu thì phải mua bổ sung và những vật tư hết hạn thì phải mua mới để đảm bảo khi công trình xuất hiện sự cố thì có đủ nhân lực và vật tư ứng phó kịp thời. Ngoài ra, cần tổ chức kiểm định an toàn đập để đánh giá mức độ an toàn tuyến đập và công trình khởi công, có kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa các hư hỏng công trình để đảm bảo an toàn khi hồ tích nước và xả lũ.
Thưa ông, thực tế cho thấy còn nhiều hồ đập trong tình trạng mất an toàn. Ông đánh giá thế nào về mức đầu tư và kế hoạch trong thời gian tới?
Tính đến năm 2011, Trung ương đã đầu tư khoảng trên 2.000 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nhưng do số lượng nhiều, kinh phí ít nên đại đa số các hồ chứa không được đầu tư hoặc đầu tư rất thấp không đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhiều hồ chứa đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là các tỉnh miền Trung, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Sau nhiều năm khai thác, cùng với chịu ảnh hưởng của thời tiết, nhiều hồ chứa đã hư hỏng nặng như mái đập thượng lưu bị sụt sạt, mái đập hạ lưu bị thấm, tràn bị hư hỏng, thiếu năng lực xả lũ… một số hồ đã xảy ra sự cố, địa phương phải xử lý khẩn cấp. Việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn hồ chứa, khôi phục năng lực trữ nước phục vụ sản xuất là rất cấp thiết. Vì vậy, năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ kinh phí 2.917 tỷ đồng để đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nhưng do hạn hẹp về ngân sách nên không được bố trí. Năm 2013, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp thực hiện rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ xung yếu làm cơ sở cho việc bố trí vốn đối với những công trình mất an toàn. Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ trước mắt cho 29 tỉnh với số vốn 500 tỷ đồng để đầu tư sửa chữa, nâng cấp 85 hồ chứa nguy hiểm. Ngoài ra, cùng với nguồn kinh phí do Trung ương đầu tư thì các địa phương cũng nỗ lực chuẩn bị kinh phí để đảm bảo an toàn trên địa bàn. Nhiều năm qua, các địa phương cũng đã đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như từ nguồn ngân sách của tỉnh, vốn trái phiếu chính phủ, vốn nước ngoài... để sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, để đảm bảo an toàn cho các hồ chứa, ngoài nguồn kinh phí đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hồ chứa cần tập trung xây dựng chiến lược về an toàn hồ đập làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách; xây dựng chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa trên phạm vi cả nước. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách về an toàn đập trong đó chú trọng đến các chính sách về quản lý, khai thác hồ đập và kiểm soát lũ đến như sửa đổi Nghị định 72/2007/NĐ-CP; bổ sung các thông tư hướng dẫn, các quy chế tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn đập; hoàn thiện cơ chế tài chính đầu tư ở giai đoạn quản lý khai thác. Đặc biệt, cần hoàn chỉnh hệ thống quản lý an toàn đập từ trung ương đến địa phương trong đó quan tâm đến phân công, phân cấp quản lý công trình thủy lợi giữa trung ương và địa phương làm cơ sở cho việc quản lý đầu tư, chỉ đạo đảm bảo an toàn hàng năm.
Xin cảm ơn ông!
Thu Hà(thực hiện)