Riêng thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) và thành phố Hải Phòng chỉ số tia cực tím ở mức 6.7; Thủ đô Hà Nội ở mức 6.6 và Thành phố Hồ Chí Minh ở mức 7.2 từ 10-13 giờ; thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế); thành phố Đà Nẵng có chỉ số tia cực tím cực đại trong ngày ở mức trung bình từ 2 đến 2.4.
Từ ngày 10 đến ngày 12/11, chỉ số tia cực tím cực đại tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc và miền Nam có nguy cơ gây hại cao ở mức từ 6 đến 8. Với chỉ số này, tia cực tím đã vượt ngưỡng an toàn; ngoại trừ thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế), thành phố Đà Nẵng, thành phố Hội An (Quảng Nam) và thành phố Cà Mau (Cà Mau) có nguy cơ gây hại trung bình ở mức từ 2 đến 3.
Chỉ số tia cực tím là phép đo theo tiêu chuẩn quốc tế về độ mạnh của bức xạ cực tím từ ánh sáng mặt trời. Chỉ số tia cực tím dao động từ mức 0 - 2 được xem là thấp. Chỉ số tia cực tím từ mức 8 - 10 có nguy cơ gây hại rất cao, có khả năng gây bỏng cho da nếu tiếp xúc trực tiếp dưới ánh mặt trời liên tục trong 25 phút. Chỉ số cực tím từ mức 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, có nguy cơ làm tổn thương da và mắt khi tiếp xúc trực tiếp trong 15 phút mà không được bảo vệ. Chỉ số tia cực tím ở mức 12 là nguy hiểm cực độ.
Theo khuyến cáo của ngành Y tế, chỉ số tia cực tím ở mức an toàn là dưới 3, còn trên ngưỡng 3, gây ra nhiều tác hại với sức khỏe.
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh bệnh về da nói chung và ung thư da nói riêng do tác hại của tia cực tím, người dân khi ra đường vào thời điểm chỉ số tia cực tím đạt đỉnh trong ngày là từ 10 giờ – 14 giờ cần đội nón rộng vành, sử dụng ô dù, đeo kính mắt màu sậm, bịt kín khẩu trang và tránh nắng trong bóng râm, cây có bóng mát để hạn chế tác động từ tia cực tím. Cùng với đó, mọi người nên bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C, giúp hạn chế tác động có hại từ tia cực tím; uống đủ nước (khoảng 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày); sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây.