Ngày 4/11, thông tin từ Cơ quan đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, với sự tham vấn chặt chẽ của các cơ quan thuộc Chính phủ, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc cùng Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, Nhóm Quản lý Thiên tai (Disaster Management Group) đã đưa ra Kế hoạch ứng phó với lũ lụt ở Việt Nam năm 2020, nhằm huy động 40 triệu USD để hỗ trợ 177.000 người dân thuộc nhóm người dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của lũ lụt ở các tỉnh miền Trung Việt Nam. Kế hoạch này được thiết kế trong thời gian 6 tháng nhằm giải quyết nhu cầu nhân đạo tức thời, đồng thời thực hiện một số hoạt động phục hồi sớm.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc cho biết: Liên hợp quốc, các đối tác cứu trợ nhân đạo và Hội Chữ thập đỏ đang tập trung đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất trong khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt; giúp họ xây dựng lại cuộc sống, ổn định sinh kế.
Trước việc Chính phủ Việt Nam kêu gọi sự cứu trợ khẩn cấp của quốc tế, một đánh giá chung của các cơ quan Chính phủ - Liên hợp quốc - Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã được thực hiện tại 5 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Đánh giá này xác định 177.000 người dễ bị tổn thương nhất ở các khu vực bị ảnh hưởng cần được cứu trợ khẩn cấp. Ước tính có khoảng 153.000 trẻ em có nguy cơ phải nghỉ học do các trường học và đồ dùng học tập, thiết bị giáo dục… bị hư hỏng. Các địa điểm người dân sơ tán tránh bão lũ hiện đang thiếu nguồn nước sạch và công trình vệ sinh. Người dân dễ có nguy cơ ốm đau và bệnh tật.
Cũng theo ông Kamal Malhotra, nhiều người dân đã và đang phải chịu áp lực kinh tế do đợt dịch COVID-19 thứ hai tấn công miền Trung Việt Nam. Giờ đây, những trận lũ lụt này đã khiến người dân lâm vào cảnh điêu đứng. Hơn bao giờ hết, công tác nhân đạo - phát triển phải được ưu tiên để giúp những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất phục hồi cuộc sống, ổn định sinh kế.
Theo báo cáo của thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến nay, mưa lũ đã làm 119 người chết, 21 người mất tích, hàng trăm người bị thương, trong đó có 36 cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang đã hy sinh khi đi làm nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân trong mưa lũ ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị. Cùng với đó là những thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng, nhà cửa, hoa màu, gia súc, gia cầm, thủy sản...