Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2005 đến nay, thành phố đã nỗ lực hạ ngầm mạng lưới cáp điện, cáp viễn thông tại 450 tuyến phố trong các quận nội đô, với hơn 750 km hệ thống cáp các loại, đạt tỷ lệ ngầm hóa gần 77%, đảm bảo cảnh quan đô thị.
Tuy nhiên, tình trạng "rác trời" vẫn đang tồn tại trong những phố nhỏ, ngõ nhỏ và các khu tập thể cũ... gây mất mỹ quan và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn tại khu dân cư.
Video nhức mắt 'rác trời' tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn:
Tuyến phố Thái Hà (quận Đống Đa) đã hoàn thành hạ ngầm hệ thống cáp điện, cáp viễn thông, đảm bảo cảnh quan đô thị, không còn cảnh "mạng nhện" dây điện chằng chịt kéo dài từ cột điện này sang cột điện khác, búi thành những đống "rác trời" lơ lửng trên cao như trước đây.
Tuy nhiên, trong các ngõ từ nhỏ đến lớn của con phố này, cảnh "rác trời" bủa vây nhà dân vẫn đang tồn tại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
"Rác trời" không chỉ đang tồn đọng như chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" trong các ngõ phố tại các quận nội đô Hà Nội như tại phố Thái Hà nêu trên, mà trở thành "đặc sản" không khó thấy tại các khu tập thể, chung cư cũ hiện nay. Tình trạng từng búi dây điện các loại bu kín cột điện, bủa vây cửa sổ, "chuồng cọp" căn hộ như "mạng nhện chăng tơ", khiến các cột điện chỉ muốn chực chờ bật khỏi mặt đất...
Nhiều người dân sinh sống tại các ngõ phố Thái Hà phản ánh, cảnh "rác trời" tồn đọng tại đây lâu rồi thành quen. Mặc dù các cấp chính quyền vẫn tuyên truyền chủ trương của thành phố từ nhiều năm nay về việc hạ ngầm, nhưng mới chỉ dừng lại ở mặt tiền tuyến phố, còn trong ngõ thì không biết đến bao giờ. Mỗi đợt nắng nóng, nhiều hộ gia đình lại thấp thỏm lo âu, chỉ sợ điện quá tải bốc cháy, không biết thoát nạn ra sao, còn đến mùa mưa bão lại lo đứt dây điện, đổ cột điện... Thực tế, những cột điện đang oằn mình gồng gánh gấp hàng chục lần lượng dây cáp các loại, nhưng trong số đó chỉ có vài chục sợi có tác dụng, còn lại đã hỏng hoặc không còn sử dụng, nhưng không được thu hồi, dây cáp mới mắc đan xen dây cũ, biến thành những búi "rác trời”.
Còn tại các khu tập thể, những búi "rác trời" đủ loại cáp mạng, cáp truyền hình, cáp điện... chăng "mạng nhện", vây kín "chuồng cọp" từ căn hộ này sang căn hộ khác và vẫn được các nhân viên nhà mạng hàng tháng tiếp tục kéo dây mới đấu nối tiếp, khiến nhiều người bất an. Chỉ cần một đường điện chập cháy, chắc chắn sẽ có một “dàn lửa” trên đầu người dân.
Những năm gần đây, Hà Nội liên tục xảy ra các vụ chập cháy tại các cột điện, đốt cháy toàn bộ hệ thống dây cáp trơ lõi đồng, khiến người dân không khỏi hoang mang...
Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng "rác trời" trên là do các công ty điện lực, các nhà mạng cáp viễn thông, cáp truyền hình... hiện nay đều sử dụng cột điện để kéo dây đấu nối đến tận nhà dân, cung cấp dịch vụ và thu tiền, không quan tâm đến chuyện mất mỹ quan đô thị. Ngành điện lực cứ duy trì được dòng điện đến các tổ chức, cá nhân; nhà mạng viễn thông kéo được dây đến chủ thuê bao và có tín hiệu ổn định là kết thúc công việc... Và những búi dây cáp điện, viễn thông tầng tầng, lớp lớp, mới cũ lẫn lộn lâu ngày tạo thành búi "rác trời" trên đầu người dân.
“Rác trời” phát hỏa, theo đại diện Đội tuyên truyền Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP Hà Nội có nhiều nguyên nhân, song, đối với các cột điện hiện nay là do việc không tuân thủ các quy định về kỹ thuật đấu nối đường dây, an toàn phòng cháy của nhân viên các công ty cáp, nhà mạng. Hệ thống dây điện, dây cáp trên cao thuộc nhiều đơn vị, nên không đồng bộ về chất liệu, hình dáng, với hàng trăm mối nối chỉ có đơn vị chủ quản mới biết, dẫn đến xác suất chập cháy cao. Trong khi đó, việc kiểm tra định kỳ đường dây điện, công tơ, mối nối… trên trụ điện gần như không được thực hiện nghiêm túc.
Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu thực hiện ngầm hóa toàn bộ các đường dây, cáp dịch vụ công cộng tại đô thị. Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” cũng xác định ngầm hóa toàn bộ các đường dây, cáp dịch vụ công cộng.
Để triển khai Nghị quyết 06-NQ/TƯ và Chương trình 03-CTr/TU, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 127/KH-UBND về hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông, điện lực giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu hoàn thành hạ ngầm đồng bộ đường dây đi nổi trong khu vực 4 quận nội đô: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và đề xuất giải pháp, nguồn vốn triển khai các tuyến còn lại. Công tác hạ ngầm khi triển khai phải đồng bộ với các kế hoạch khác về chỉnh trang hè, đường phố, phát triển điện lực, bảo đảm hiệu quả, khả thi.
Theo Kế hoạch số 127, UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu hạ ngầm 100% hệ thống cáp điện lực, viễn thông tại các khu vực phát triển đô thị, các tuyến đường cải tạo, xây dựng mới; tiếp tục triển khai hạ ngầm tại khoảng 300 tuyến phố, trong đó, ưu tiên huy động nguồn vốn doanh nghiệp xã hội hóa để hoàn thành hạ ngầm. Rõ ràng, việc hạ ngầm hệ thống cáp điện, viễn thông, đảm bảo an toàn, phòng cháy chữa cháy, hạn chế những tai nạn đáng tiếc do "rác trời" gây ra, đảm bảo mỹ quan đô thị hiện nay là vấn đề cấp thiết, cấp bách và được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Kế hoạch, chủ trương đã có, nhưng để không nằm trên giấy, cần có sự chung tay vào cuộc của các Sở, ngành, đơn vị liên quan của TP Hà Nội để "gỡ rối".