Đi cùng năm tháng
Một kỷ niệm xúc động được nhà báo Ngô Bá Lục (Tạp chí Sân khấu) chia sẻ với phóng viên báo Tin tức tối 26/7: "Chỉ trong 15 phút trưa 25/7, tôi đã viết xong bài thơ 'Mình ơi', với cảm xúc trào dâng, liên tưởng... như lời tự sự của một người vợ mất chồng.
Khi cảm xúc chạm vào cảm xúc, là những rung động ngân lên trong lòng. Nhà báo Ngô Bá Lục kể: “Khởi duyên từ bức ảnh của tác giả Phạm Hải đăng trên báo điện tử Vietnamnet, tôi nhìn thấy bà Ngô Thị Mận, phu nhân Tổng Bí thư nghiêng người chạm vào linh cữu bác Nguyễn Phú Trọng. Hình ảnh ấy lập tức gợi nhớ đến U Soạn của tôi ở thời điểm 11 năm về trước, cũng dáng người như thế, gương mặt nén nỗi đau tột cùng như vậy, chạm tay vào quan tài Thầy mình, vừa muốn níu giữ, vừa muốn ôm lấy người mình thương yêu...”.
Sau khi nhà báo Ngô Bá Lục cảm tác bài thơ đăng lên mạng, ngay trong đêm 25/7, Nghệ sỹ Ưu tú (NSƯT) Hồng Liên đã gửi lại nhà báo bản ngâm thơ, dù còn đang nằm trên giường bệnh.
“Lúc đó, tôi thực sự xúc động, phải tạt xe vào lề đường để nghe giọng ngâm của chị Hồng Liên với đôi mắt nhòe lệ. Không chỉ vậy, trước khi đi ngủ, tôi bỗng nhận được điện thoại của ca sỹ, NSƯT Tố Nga, chị chia sẻ cũng đang ốm bẹp nằm nhà, vô tình vào Facebook, đọc được bài thơ bèn nảy ra ngay ý nhạc, ca sỹ Tố Nga đã ngồi vào đàn bật lên những giai điệu. NSƯT Tố Nga còn nhờ người phối khí, tự mình thu âm rồi hoàn thiện bài hát 'Mình ơi'. Nghe giọng ngâm thơ của Hồng Liên đầy xúc động, nghe bản nhạc của Tố Nga cũng xúc động vô cùng”, nhà báo Ngô Bá Lục cảm động chia sẻ.
Trong những ngày qua, Hà Nội lặng lẽ chìm trong tiếc thương khi mất đi người Cộng sản ưu tú, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây không chỉ là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là người đã thực sự học và làm theo tấm gương của Bác Hồ tốt nhất. Đặc biệt, tình cảm bày tỏ của hàng triệu người dân, người già tuổi cao, không ngại đường sá xa xôi, thời gian chờ đợi nhiều tiếng chờ viếng dưới tiết trời oi ả... khiến ai cũng cảm động.
Vì tuổi già, không cập nhật kịp thời tin tức về thời gian nhân dân được viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội từ 18 giờ ngày 25/7, bà Trần Thị Chính, 78 tuổi (pử phố Lý Tự Trọng, phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội) có mặt trên phố Lò Đúc (Hà Nội) từ 6 giờ sáng 25/7 để chờ viếng... Điều đáng cảm phục là dù chờ đợi hơn 12 giờ đồng hồ dưới tiết trời nóng nực, bà Chính không hề biểu lộ sự mệt mỏi dù thi thoảng, người cháu đi cùng vẫn nhắc bà ngồi nghỉ cho đỡ mệt, uống hớp nước cho mát. “Đối với tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người để cho nhân dân tin tưởng. Đường lối chính sách của ông luôn đi theo con đường của Bác Hồ vĩ đại. Chúng tôi tôn trọng và kính nể ông, luôn hy sinh vì đất nước, nhân dân, sống giản dị, công minh. Dù trời tiết có mưa bão, tôi vẫn muốn đến thắp nén nhang cho ông”, bà Trần Thị Chính chia sẻ với phóng viên báo Tin tức.
Là vợ liệt sỹ, bà Phạm Thị Thêu, 80 tuổi (ở số 165 đường Âu Cơ, Hà Nội) trải lòng: “Mấy hôm vừa rồi, nước mắt tôi cứ dâng trào khi nghĩ về Tổng Bí thư. Tổng Bí thư là người hiền lành, chất phác. Chúng tôi ngưỡng mộ bác, nhất là những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, Tổng Bí thư vẫn trăn trở vì Tổ Quốc”.
Điều khiến nhóm phóng viên báo Tin tức thật sự ngỡ ngàng trong quá trình tác nghiệp và chắc chắn sẽ còn đọng lại mãi về dấu mốc lịch sử này, đó là dòng người như "biển", cứ ùn ùn kéo về các nẻo đường Hàng Chuối, Hàn Thuyên, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Công Trứ, Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để mong mỏi được viếng Tổng Bí thư lần cuối cùng. Có người chờ từ tối 25/7, chờ xuyên đêm, rồi đợi tới tận sáng 26/7 (ngày cuối cùng của Quốc tang) để được vào thắp nén nhang tưởng nhớ bác.
Trước giờ Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, "biển người" lại đứng chờ đông nghịt ở 2 bên của các tuyến phố, nơi mà Đoàn xe chở linh cữu Tổng Bí thư đi qua như: Lê Thánh Tông - Nhà hát lớn - Tràng Tiền, Lê Quang Đạo, Phạm Hùng, tới Nghĩa trang Mai Dịch.
Hàng nghìn người dân đã đứng chờ sẵn trong niềm xúc động. Họ có thể là cựu chiến binh, công nhân lao động, thanh niên hay em nhỏ... tất cả đều nghẹn ngào xúc động trong giờ phút tiễn biệt.
Khó có thể chen lên hàng đầu, nhiều người, trẻ nhỏ còn mang ghế để đứng, trèo lên cả xe máy của mình để giơ cao tấm hình bác, họ mong mỏi được thấy đoàn xe chở linh cữu bác về nơi an nghỉ cuối cùng.
Để cập nhật thông tin, cũng như nhìn được toàn cảnh lễ truy điệu, linh xa chở di hài Tổng Bí thư, một số người dân còn vừa đứng chờ ngoài nắng, vừa mở điện thoại xem trực tiếp về lễ quốc tang. Họ cố gắng ghi lại những giây phút cuối tiễn đưa Tổng Bí thư, thậm chí vào nhờ quán xem tivi tường thuật trực tiếp Lễ truy điệu Tổng Bí thư.
Không có thống kê về số lượng người dân dọc đường tiễn biệt Tổng Bí thư chiều 26/7, nhưng theo Ban Lễ tang Nhà nước, hàng trăm nghìn người dân ở mọi miền Tổ quốc "không quản đường sá xa xôi, không quản nắng mưa, thành kính trên suốt tuyến đường tiễn đưa Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng". Người đến viếng thuộc nhiều tầng lớp, từ Hà Giang xuống, Cần Thơ ra, các tỉnh lân cận đổ về. Phần đông chưa từng gặp mặt Tổng Bí thư nhưng đều có chung câu trả lời "đến đưa tiễn vì yêu mến cuộc đời bình dị, hết lòng với Tổ quốc, nhân dân đến những ngày cuối cùng của cuộc đời".
Những người “hậu cần” tiếp sức cho người dân
Chiếc nón, quạt giấy hay đơn giản chỉ là những tấm bìa nhỏ, chỉ cần che nắng được, người dân không ngại xếp hàng đứng chờ dưới trời nắng để được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia
Trước khu vực Nhà tang lễ Quốc gia, người dân, các tình nguyện viên xếp hàng dài, liên tục quạt mát, tiếp nước và đồ ăn cho đoàn người vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhắc về hành động đẹp khi có tấm lòng tặng bà con nước uống, đồ ăn, khẩu trang, cho mượn áo đen, cho gửi xe miễn phí trước cửa nhà 101 Lò Đúc (Hà Nội), chị Thúy Hồng e ngại chia sẻ với phóng viên. Bởi theo chị Thúy Hồng, đây là việc làm bình thường, bởi có những bà con đi từ tỉnh xa về Hà Nội, phải chờ đợi nhiều giờ, có người còn đói, nên chị làm xuất phát từ tấm lòng, tình cảm người dân Việt Nam.
“Tôi rất xúc động khi một số gia đình còn mời chúng tôi gửi xe để trông hộ, miễn đồ uống, thậm chí còn chuẩn bị cả những chiếc áo sơ mi đen để người dân đi đường muốn dừng chân vào Nhà Tang lễ Quốc gia viếng bác. Đây là những cử chỉ đẹp, nhân văn vô cùng, tình cảm đẹp của nhân dân Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Hoa, 75 tuổi, ở số 19 Lê Gia Định, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ với phóng viên báo Tin tức.
Anh Nguyễn An (nhà ở ngõ 1, Hàng Chuối) cùng nhiều người thân đã cắt bìa carton để làm những chiếc quạt tự chế tặng người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Còn chị Thanh Tú (ở số 27 Lò Đúc) quyết bán mà mang toàn bộ số quạt mini cầm tay của cửa hàng ra tặng cho người dân, mỗi chiếc quạt có giá 15.000 đồng.
Thấy dòng người xếp hàng đông đúc, vất vả các bạn trẻ là thành viên của Câu lạc bộ Tình nguyện viên Thủ đô cũng dùng những chiếc quạt giấy liên tục quạt mát cho mọi người. Trong đó có các tình nguyện viên của Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Đại học Dược Hà Nội...
Và, hình ảnh người "xe ôm" thông báo chở người dân miễn phí, với tấm biển to trước xe máy viết dòng chữ: “Vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” vẫn đang được cộng đồng mạng chia sẻ khiến ai cũng cảm thấy ấm lòng.
Tất cả những hình đẹp, nhân văn đó sẽ mãi đọng lại trong tâm trí nhân dân Việt Nam, đó cũng chính là lời nguyện hứa trước anh linh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Dân tộc Việt Nam sẽ mãi đoàn kết, yêu thương và nỗ lực phấn đấu hết mình để phát triển, dựng xây đất nước Việt Nam ngày càng thịnh vượng, bạn bè quốc tế yêu mến và nể trọng nhân dân Việt Nam".