Trong khi theo Quy hoạch phát triển điện lưới quốc gia năm 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), dự báo tốc độ tăng trưởng sản lượng điện vẫn ở mức trên 10%/năm, gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP cả nước. Bởi vậy, để bảo đảm nguồn điện buộc phải phát triển nhiệt điện than, nhưng sẽ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao nếu không quản lý chặt chẽ và đi kèm với những giải pháp khả thi.
Gia tăng các lượng chất thải Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, nằm bên sông Hậu thuộc Hậu Giang đang được xây dựng. Ảnh: Duy Khương/TTXVN |
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tỷ lệ phát nhiệt điện than hiện chiếm tới 34,37%, với tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than đạt 13.483 MW. Đến giai đoạn 2025 - 2030, các tỉnh phía Nam cần bổ sung khoảng 30.000 MW nguồn điện tại chỗ mới đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế. Do đó đến năm 2020 sẽ có 32 nhà máy, tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW chiếm 49,3% lượng điện sản xuất; năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiếm 55% điện sản xuất; năm 2030 đạt 55.300 MW chiếm 53,2% điện sản xuất. Khi đó, các nhà máy nhiệt điện than này sẽ thải mỗi năm khoảng 29 triệu tấn tro, xỉ.
Riêng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận) và nhiệt điện Duyên Hải 1 (Trà Vinh) mỗi ngày hút hơn 4,5 triệu m3 nước biển để làm mát và xả trở lại biển. Trong dự án nhiệt điện Vĩnh Tân, có 5 nhà máy nhiệt điện than, khi đi vào hoạt động đầy đủ vào năm 2020 sẽ hút mỗi ngày từ biển hơn 20 triệu m3 nước biển để làm mát và xả trở lại biển. Mặt khác trong quá trình đốt cháy than để sản xuất điện, khoảng 20% chất vô cơ không cháy và cả lượng than chưa cháy hết bị dính vón thành các hạt lớn, rơi xuống đáy lò gọi là xỉ than hay tro đáy, 80% chất vô cơ không cháy còn lại sẽ bay theo khói lò thoát ra ngoài thành tro bay với khối lượng hàng triệu tấn mỗi năm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Cũng theo Quy hoạch điện VII, các nhà máy nhiệt điện chuẩn bị đưa vào vận hành sắp tới sẽ sử dụng tối đa nguồn than khai thác trong nước, bên cạnh nguồn than nhập khẩu. Để sản xuất được 156 tỉ kWh điện mỗi năm vào năm 2020 (tổng công suất nhiệt điện than khoảng 36.000 MW), phải tiêu thụ hơn 67 triệu tấn than và đến năm 2030 khi tổng công suất nhiệt điện than tăng lên 75.000 MW cần đến 171 triệu tấn than. Điều đó đồng nghĩa với lượng xỉ than tro đáy lên đến 14 triệu tấn mỗi năm vào năm 2020, gần 35 triệu tấn hằng năm vào năm 2030, cùng hàng chục triệu tấn tro bay.
Đặc biệt, điều nan giải nhất là các nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động hiện nay chưa tìm được giải pháp đầu ra cho tro xỉ theo Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Nguyên nhân chính yếu là nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch không nung có khả năng sử dụng tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất, nhưng lại không đủ điều kiện tiếp nhận tro xỉ theo quy định của Nghị định số /2015/ NĐ-CP, thiếu các Quy chuẩn kỹ thuật đối với tro xỉ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền.
Những giải pháp cấp thiết Các si-lô chứa tro bay để xử lý trước khi đưa ra bãi xỉ của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải I. Ảnh: Phúc Sơn/TTXVN |
Thời gian gần đây, Bộ Công thương đã chủ động chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty rà soát toàn bộ công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp, trong đó có cả các nhà máy nhiệt điện than, yêu cầu phải tuân thủ đầy đủ cam kết về quan trắc và giám sát môi trường đã được phê duyệt trong đánh giá tác động môi trường. Theo đó, đối với hệ thống xử lý khói lò, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần xây dựng lộ trình cải tạo hệ thống đốt khởi động lò, để có thể đưa hệ thống lọc bụi tĩnh điện vào ngay khi bắt đầu khởi động. Khi chưa cải tạo, khắc phục được thì các nhà máy phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thông báo rộng rãi cho người dân biết về quá trình nhà máy khởi động lò để người dân tham gia giám sát. Các nhà máy nhiệt điện phải chịu trách nhiệm đối với nguồn phát sinh chất thải của mình, chủ động tìm kiếm các giải pháp để xử lý và tiêu thụ; đồng thời phải lắp đặt hệ thống giám sát các thông số nước thải online, kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường để tạo thuận lợi cho các cơ quan giám sát các thông số môi trường.
Bộ Công Thương cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng để ban hành Quy chuẩn kỹ thuật đối với tro xỉ được phép sử dụng làm vật liệu xây dựng. Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có Thông tư quy định về trình tự, thủ tục xác nhận, điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định tại Nghị định số /2015/NĐ-CP.
Đối với các dự án nhà máy nhiệt điện đang xây dựng, chưa đi vào vận hành, các hạng mục công trình có sự thay đổi so với đánh giá tác động môi trường ban đầu chỉ được triển khai thực hiện khi đã có sự chấp thuận của cơ quan phê duyệt đánh giá tác động môi trường. Yêu cầu nhà thầu và chủ đầu tư phải hoàn thành đầy đủ các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường theo cam kết trong đánh giá tác động môi trường. Trong giai đoạn vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường, chủ đầu tư thông báo rộng rãi đến chính quyền địa phương, cơ quan phê duyệt đánh giá tác động môi trường về hoạt động vận hành thử nghiệm để cùng giám sát. Sau quá trình vận hành thử nghiệm (6 tháng) cần hoàn thiện hồ sơ xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường gửi cơ quan phê duyệt đánh giá tác động môi trường xem xét, xác nhận.
Về các dự án đang trong giai đoạn thiết kế và trình phê duyệt, Bộ Công Thương chỉ đạo các chủ đầu tư yêu cầu tư vấn thiết kế phải tính toán và đưa ra các giải pháp công nghệ tiến tiến, gắn liền với hệ thống kiểm soát và xử lý chất thải. Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, Bộ đang triển khai xây dựng Chỉ thị của Bộ trưởng về tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành công thương, trong đó tập trung chấn chỉnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đánh giá tác động môi trường đối với các dự án.