Hiện trường vụ tai nạn giao thông đường sắt, đoạn Cầu Ngang, xã Cà Ná, làm hai người chết. Ảnh: Công Thử/TTXVN |
Qua kiểm tra thực tế tại lý trình 1436 + 980 m đường sắt Bắc - Nam khu vực ga Cà Ná, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Ninh Thuận xác định, tại đây là khu vực đường sắt giao nhau với đường dân sinh hợp pháp, nằm trong khu vực ga Cà Ná, thuộc trách nhiệm quản lý trực tiếp của ga Cà Ná. Đây là đường ngang dân sinh dẫn vào khu nghĩa trang Yên Bình và khu dân cư thôn Lạc Sơn 3, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam.
Tại điểm giao nhau có lắp đặt hệ thống biển báo "Nơi đường sắt giao vuông góc với đường bộ" và biển phụ "Dừng lại quan sát tàu hỏa khi qua đường" tuy nhiên biển báo hiệu được lắp đặt quá gần đường sắt, trong khi tầm nhìn tại khu vực này rất hạn chế, hệ thống chiếu sáng vào ban đêm chủ yếu do dân cư tự lắp đặt, không có hệ thống cảnh báo bằng chuông còi, loa phóng thanh.
Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Ninh Thuận cũng đã xác định nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra vào khoảng 12 giờ 20 phút ngày 4/9/2017 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua thuộc thôn Lạc Sơn 3, xã Cà Ná làm 2 người chết. Vị trí xảy ra tai nạn là nơi đường bộ giao cùng mức với đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu; người điều khiển mô tô lưu thông không dừng lại quan sát mà tự ý băng qua đường trong khi tàu hỏa đang đi tới nên đã xảy ra tai nạn (hành vi điều khiển xe mô tô như trên vi phạm khoản 4 Điều 25 Luật Giao thông đường bộ).
Bên cạnh đó, trong khu vực ga Cà Ná hiện còn một đường ngang hợp pháp tại lý trình 1436 + 533 m và một lối đi dân sinh do dân cư tự mở; tình trạng người dân đổ rác, chăn thả gia súc dọc tuyến đường sắt ngày càng nhiều và còn có dấu hiệu mở nhiều lối đi dân sinh bất hợp pháp, tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra tai nạn.
Qua kết quả xác minh của đoàn kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Thuận chủ trì làm việc với UBND huyện Thuận Nam, ga Cà Ná và các ngành, địa phương có liên quan xác định trách nhiệm cụ thể trong việc không bố trí, lắp đặt hệ thống cảnh báo như: Chuông cảnh báo, đèn chiếu sáng, biển báo, vạch kẻ đường, gờ giảm tốc và để tồn tại lối đi dân sinh tự phát trong khu vực ga Cà Ná; đồng thời quy rõ trách nhiệm quản lý đường ngang tại lý trình 1435 + 980 m; xác định giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong việc lắp đặt hệ thống cảnh báo; tổ chức cảnh giới và triển khai kế hoạch thực hiện bảo đảm an toàn giao thông trong khu vực.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng giao UBND huyện Thuận Nam chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn tăng cường tuyên truyền cho người dân chấp hành quy định pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông, thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt tại các lối đi dân sinh; phối hợp với các ngành chức năng có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực các ga đường sắt, xóa bỏ các đường ngang dân sinh trái phép giao với đường sắt.