Những ngày này, gia đình bà Hồ Thị Hồng (khu phố 4, phường Bảo An) luôn sống trong cảnh bất an khi hàng ngày chứng kiến từng mét vuông đất bị nước sông Dinh "nuốt trọn". Bà Hồng cho biết, tình trạng sạt lở bắt đầu từ mùa mưa lũ cuối năm 2021 và kéo dài đến nay. Từng bụi tre, cây cối lớn bị dòng nước lũ hung dữ từ thượng nguồn sông Dinh đổ về kéo trôi xuống sông, dòng nước chảy xiết ăn sâu vào chân bờ sông khiến nhiều vị trí bị hở hàm ếch, đất đổ sập xuống sông. Đến nay dòng nước đã tiến sâu vào trong phần đất của gia đình bà tới gần 20 mét.
Bà Hồng nói trong lo lắng: "Con đường dẫn vào nhà tôi ngay sát mép bờ sông đang bị sạt lở rất nguy hiểm, đặc biệt đêm hôm không biết sạt lở bất thình lình khi nào. Mới gần đây, một mảng đất lớn đổ ầm xuống sông, tôi phải lấy các cây cột lại thành hàng rào dựng tạm trên vị trí sạt lở để mọi người biết, tránh xa".
Đưa phóng viên đi khảo sát chiều dài khu đất sản xuất dọc bờ sông Dinh, ông Lê Văn Phê (khu phố 4, phường Bảo An) cho hay tình trạng sạt lở diễn ra nhiều tháng nay và ngày càng phức tạp, có vị trí ăn sâu vào bãi hoa màu cả chục mét, nhiều vị trí đất sản xuất thi thoảng lại đổ ụp xuống lòng sông. Người dân mong chính quyền sớm đầu tư xây dựng bờ kè đê kiên cố để ngăn tình trạng sạt lở để yên tâm sinh sống và làm ăn.
Hiện nay, đoạn sông Dinh từ đập Lâm Cấm đến phía Tây Cầu Móng có chiều dài khoảng 925 mét chưa được đầu tư kè bảo vệ bờ sông nên xảy ra tình trạng sạt lở. Nhiều vị trí đã sạt lở sâu vào phía trong khoảng 20 mét, nhiều cây lâu năm và bụi tre đã ngã xuống lòng sông với chiều dài 100 mét. Các điểm sạt lở đang xoáy sâu vào trong đất của người dân và có nguy cơ lan rộng. Khu vực này hiện có 63 hộ dân với 130 nhân khẩu sinh sống và sản xuất nông nghiệp.
Theo khảo sát của Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, khu vực sạt lở có dạng sông cong gấp khúc, khi bờ lõm hình thành sẽ tăng cường dòng chảy vòng dạng hình xoắn ốc, đào bới đất bờ lõm, chuyển sang bên bồi làm cho bờ lõm ngày càng lõm hơn. Tại đoạn sông cong dòng chảy chủ lưu ép sát vào bờ, xói rỗng chân bờ làm các cây lâu năm và bụi tre ngã xuống lòng sông tạo thành các hang hốc, hàm ếch, sau đó tầng bên trên đổ sụp xuống sông. Trong khi đó, khu vực đối diện đã có bờ kè giữ ổn định không còn gây sạt lở, mặt khác phía lòng sông có các cuội đá tảng và các cây mọc trên sông đã phần nào làm đổi hướng dòng chảy về phái bờ tả đã làm gia tăng tác động sạt lở lên phía bờ sông ngày càng cao.
Trao đổi với phóng viên, bà Trương Thị Thanh Vân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết nhằm sớm khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân trước mùa mưa lũ năm nay, Chi cục Thủy lợi đã có văn bản kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh Ninh Thuận xem xét, chấp thuận chủ trương cho đầu tư khắc phục khẩn cấp tình hình sạt lở bờ bắc sông Dinh đoạn Lâm Cấm - Cầu Móng tại khu vực phường Bảo An với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh năm 2022.
Trước mắt, giải pháp sửa chữa, khắc phục sẽ thi công đổ lăng thể đá hộc dưới mực nước kiệt, trên làm tường bằng rọ đá hộc kích thước 2x1x1m gia cố mái bờ sông tập trung vào những đoạn bị sạt lở nghiêm trọng nhất, uy hiếp đất sản xuất và nhà cửa của người dân. Về lâu dài, tỉnh tiếp tục đầu tư hệ thống đê kè hoàn thiện cả hai bên bờ sông để dòng chảy ổn định, hạn chế sạt lở trong các mùa mưa lũ.
Trong khi chờ đơn vị thi công khắc phục sạt lở, chính quyền phường Bảo An cần sớm cắm biển cảnh báo tại các khu vực sạt lở, cấm người và gia súc qua lại để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Đồng thời, người dân sinh sống và canh tác dọc bờ sông cần tập trung cảnh giác, phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn khi mưa lũ xảy ra.