Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình, với địa hình trải dài từ độ cao từ 300 đến gần 2.000 mét so với mực nước biển, Vườn Quốc gia Phước Bình có cảnh quan tự nhiên và hệ động, thực vật rất phong phú. Qua thống kê, Vườn Quốc gia Phước Bình hiện có 1.321 loài thực vật; trong đó có tới 75 loài thực vật quý hiếm, 36 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam và 58 loài được ghi trong Danh lục đỏ thế giới (IUCN).
Bên cạnh đó, hệ động vật của Vườn cũng đa dạng với 327 loài, trong đó 50 loài trong Sách Đỏ Việt Nam và 29 loài ghi trong Danh lục đỏ thế giới. Đặc biệt, nơi đây có 4 loài thú đặc hữu Đông Dương đang được thế giới quan tâm gồm: Vượn má hung, Chà vá chân đen, Cầy vằn bắc và Mang lớn. Ngoài ra, Vườn còn được công nhận là một trong 63 vùng chim và là nơi có số lượng Bò tót, Nai nhiều nhất các khu bảo tồn ở Việt Nam hiện nay.
Với sự đa dạng sinh học cao, Vườn Quốc gia Phước Bình hiện đang là điểm đến thực địa của các nhà khoa học, sinh viên tới tham quan, nghiên cứu. Bên cạnh đó, Vườn đang là nơi thu hút du khách đến tham gia trải nghiệm các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa hấp dẫn như tour tham quan các thác nước trong rừng; tìm hiểu các kiểu thảm thực vật; động vật đặc trưng. Đến Vườn Quốc gia Phước Bình, du khách được thưởng thức nét văn hóa cồng chiêng, đàn Chapi, ẩm thực bản địa với các món ăn đặc sắc của các dân tộc Raglai và Churu.
Tuy chứa đựng tài nguyên đa dạng sinh học cao nhưng những năm gần đây, biến đổi khí hậu và tác động của con người đã khiến nguồn tài nguyên thiên nhiên của Vườn Quốc gia Phước Bình bị ảnh hưởng không nhỏ. Tình trạng khô hạn kéo dài khiến việc bảo tồn, phát triển rừng gặp không ít khó khăn. Lâm phần của vườn trải dài giáp với hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng có địa hình hiểm trở gây khó khăn trong việc truy quét, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Tỷ lệ người dân vùng đệm sống phụ thuộc vào rừng còn cao.
Trước những yếu tố tác động trên, ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn Quốc gia Phước Bình cho biết, công tác bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học luôn được Ban Quản lý vườn xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên gắn với việc triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng, các loài động vật, thực vật bản địa, quý hiếm. Cùng với đó, Vườn phối hợp với địa phương xây dựng các chương trình hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, không ngừng cải thiện đời sống cho người dân vùng đệm để giảm áp lực đối với tài nguyên thiên nhiên của vườn.
Vườn tập trung thực hiện các nội dung của đề án quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia Phước Bình giai đoạn đến năm 2020. Hàng năm, Vườn phối hợp với tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước tiến hành nghiên cứu, điều tra bổ sung danh lục các loài thực vật và động vật. Vườn triển khai giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ và rừng sản xuất, xây dựng mô hình nông lâm kết hợp, hỗ trợ cây giống bưởi da xanh, điều, bơ sáp; tạo điều kiện cho cộng đồng người dân bản địa tham gia làm du lịch sinh thái.
Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Phước Bình nghiên cứu xây dựng vườn thực vật để lưu giữ, sưu tầm, giới thiệu những loài cây đặc hữu, quý hiếm; tham gia cùng các Sở, ngành hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng xây dựng trại nghiên cứu lai tạo bò giữa bò tót lai F1 với bò lai Sind để tìm cách nhân giống thế hệ F2 mang các tính trạng của bò tót rừng như chống chịu được khí hậu khắc nghiệt, thể trạng lớn để nhân rộng nguồn gen. Hiện tại, Vườn đang triển khai các đề tài thực nghiệm bảo tồn các loài nấm Linh chi, chuối Cô đơn Phước Bình và một số loài lan rừng quý hiếm.
Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học, Vườn Quốc gia Phước Bình tăng cường tuyên truyền luật pháp và chính sách Nhà nước về bảo vệ rừng tại các thôn, làng. Qua đó, nâng cao ý thức của người dân cùng tham gia bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, Vườn tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học theo hướng bảo tồn và phát triển, phát huy các giá trị sinh thái, nhân văn của Vườn thông qua các hoạt động du lịch.
Vườn Quốc gia Phước Bình đang triển khai đồng bộ các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển rừng, duy trì cân bằng sinh thái và môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế cho cộng đồng người dân bản địa phương… Với các làm này, Vườn Quốc gia Phước Bình đã và đang làm giảm những tác động, rủi ro của thiên tai và các hoạt động của con người; góp phần tích cực vào chiến lược phát triển kinh tế lâu dài của tỉnh Ninh Thuận.