Đến thời điểm này, ước tính đã có khoảng gần 2.000 con lợn chết và tiêu hủy do mắc dịch lợn tai xanh. Các địa phương đã và đang khẩn trương triển khai các giải pháp để dập tắt dịch bệnh này.
Lây lan trên diện rộng
Trong lúc dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng thì người chăn nuôi nhiều nơi đang phải đối phó với dịch lợn tai xanh. Dịch đang bùng phát mạnh tại 3 địa phương Quảng Nam, Long An, Quảng Trị.
Phun thuốc tiêu độc khử trùng các phương tiện qua lại vùng có dịch ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN |
Theo thống kê, tại tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, dịch lợn tai xanh đã xảy ra tại 161 thôn thuộc 37 xã, thị trấn tại 7 huyện của tỉnh này. Tổng số lợn bị chết và phải tiêu hủy lên tới trên 1.500 con. Tại tỉnh Quảng Trị, dịch bệnh tai xanh cũng đã lây lan ở 16 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh, Hướng Hóa, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị. Tổng số lợn mắc chết và tiêu hủy là 503 con.
Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - NN&PTNT), dịch lợn tai xanh lây lan trên diện rộng là do người dân và chính quyền cơ sở một số địa phương không báo cáo dịch kịp thời. Bên cạnh đó, việc giết mổ gia súc gia cầm tự phát và nhận thức của người dân về dịch bệnh này còn nhiều hạn chế.
Tăng kinh phí, cấp vắcxin
Trước nguy cơ lây lan của dịch lợn tai xanh, các địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp phòng, chống. Đến nay, các địa phương đã được cấp 250.000 liều vắcxin phòng chống dịch lợn tai xanh để tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch.
Thông tin từ Chi cục Thú y Quảng Trị cho biết, tỉnh này vừa quyết định trích 1,25 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của ngân sách địa phương năm 2013 để tiêm phòng, chống dịch. Chi cục Thú y tỉnh này cho biết đã cấp 67.000 liều vắcxin tiêm phòng cho các địa bàn có dịch. Tuy nhiên, nhu cầu vắcxin tập trung phòng chống dịch còn rất lớn. Cùng với việc bổ sung kinh phí, để ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng, Sở NN&PTNT Quảng Trị đã lập kế hoạch tiêm vắcxin phòng chống dịch cho đàn lợn tại vùng nguy cơ cao. Dự kiến, tỉnh sẽ cấp thêm khoảng 70.600 liều vắcxin cho các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Đông Hà, Triệu Phong, Hải Lăng, Hướng Hóa.
Các địa phương có dịch lợn tai xanh cũng đã tiến hành tổ chức họp dân để thông báo tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện các biện pháp kỹ thuật của cơ quan thú y. Đồng thời, chính quyền cơ sở và hệ thống thú y cơ sở tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch, phát động chiến dịch tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường các vùng có dịch, đặc biệt là các vùng chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm có nguy cơ cao.
Trước đó, căn cứ tình hình dịch, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị Chính phủ cho phép xuất không thu tiền 7.000 lít hóa chất sát trùng từ nguồn dự trữ Quốc gia cho tỉnh Quảng Nam theo đề xuất của tỉnh này để tiến hành phòng chống dịch bệnh. Vừa qua, tỉnh Quảng Nam cũng vừa quyết định cấp 1,6 tỷ đồng cho Sở NN&PTNT để mua 30.000 liều vắcxin ngừa dịch lợn tai xanh, 5.000 lít hóa chất và các chi phí cho công tác phòng chống dịch bệnh. Nhờ những nỗ lực của các địa phương, hơn 10 ngày qua, tại các huyện của tỉnh Quảng Nam đã không còn phát sinh thêm gia súc mắc bệnh.
Để nhanh chóng dập tắt các ổ dịch, không để dịch lây lan, góp phần ổn định và phát triển chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cũng đã gửi công điện tăng cường phòng chống dịch bệnh lợn tai xanh và yêu cầu khi phát hiện lợn sốt cao, khó thở, thân đỏ đồng hoặc tím tái, tiêu chảy hoặc táo bón, lợn nái bị sảy thai... thì phải báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y huyện hoặc tỉnh. Đồng thời, kịp thời công khai về chính sách hỗ trợ người chăn nuôi khi có dịch bệnh xảy ra.
Bên cạnh đó, Cục Thú y cũng khuyến cáo để phòng, chống dịch tai xanh có hiệu quả cần tuân thủ thực hiện 5 không: Không giấu dịch, không mua lợn bệnh và sản phẩm của lợn bệnh, không bán chạy lợn bệnh, không vận chuyển lợn bệnh ra khỏi vùng dịch, không vứt xác bừa bãi lợn bệnh ra môi trường.
Hiện nay, Cục Thú y tiếp tục thành lập 6 đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương đang có dịch và các tỉnh có nguy cơ cao.
Mạnh Minh