Việt Nam đề nghị sớm xét xử nghi phạm sát hại bé Nhật Linh
Vụ án bé Nhật Linh bị sát hại dã man ở Nhật xảy ra gần một năm vẫn chưa được Tòa án nước này đưa ra xét xử đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Việt Nam trong và ngoài nước. Gia đình cháu Nhật Linh đang kêu gọi cộng đồng trong và ngoài nước ký vào bản kháng nghị lên Tòa án tỉnh Chiba để đề nghị xét xử nghi phạm với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Nghi phạm Yasumasa Shibuya (trái) được áp giải tới đồn cảnh sát ở Abiko, tỉnh Chiba ngày 14/4/2017. Ảnh: The Japan News/ TTXVN |
Mới đây nhất, ngày 2/2, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường đã tới trụ sở Bộ Ngoại giao Nhật Bản và làm việc với ông Shigeki Takizaki, Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á và Tây Nam Á, Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
Tại buổi làm việc, Đại sứ yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật của Nhật Bản sớm kết thúc quá trình điều tra và củng cố chứng cứ để có thể đưa nghi phạm ra xét xử công khai và dành cho kẻ thủ ác bản án thích đáng theo đúng các quy định của luật pháp Nhật Bản.
Bé Nhật Linh mất tích ngay sau khi ra khỏi nhà để đi bộ tới trường vào sáng 24/3/2017. Thi thể của bé được tìm thấy sau đó 2 ngày. Bé Nhật Linh được cho là bị bóp cổ chết do phát hiện nhiều dấu vết trên cổ cô bé.
Nghi phạm được xác định là Shibuya Yasumasa - người thuộc một trong những dòng họ cực kỳ giàu có ở Nhật. Dựa trên kết quả giám định mẫu ADN của đối tượng hoàn toàn trùng khớp với mẫu ADN thu được trên thi thể của bé Nhật Linh, các nguồn tin điều tra cho biết Shibuya sẽ phải đối mặt với tội danh giết người.
Tuy nhiên, kể từ khi bị bắt giữ, ông Shibuya đã sử dụng quyền im lặng, đây là lý do mà theo cơ quan tố tụng Nhật Bản, đã khiến tòa án chưa thể xét xử nghi phạm này.
Miền Bắc chìm trong giá rét
Miền Bắc đang trải qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài nhất trong 2 năm qua và dự kiến sẽ còn tiếp diễn ít nhất trong 4-5 ngày tới.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh được tăng cường liên tục, tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng, ở vùng núi cao đã xuất hiện mưa tuyết, băng giá, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây trồng và chăn nuôi gia súc.
Băng tuyết rơi phủ trắng những cành cây trên Khu du lịch Mẫu Sơn. Ảnh: Thái Thuần/TTXVN |
Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện 170/CĐ-TTg về phòng, chống rét đậm, rét hại. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tập trung chỉ đạo quyết liệt, áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại đối với sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để tình trạng vật nuôi, thủy sản và cây trồng bị chết nhiều do các nguyên nhân chủ quan, không thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác phòng, chống rét, chống dịch cho vật nuôi, thủy sản và cây trồng trên địa bàn.
Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị xử nặng
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tự bào chữa tại phiên tranh tụng. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Tại phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh cùng các đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVPLand) sáng 3/2, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phải có hình phạt thích đáng đối với bị cáo Thanh để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Đại diện Viện kiềm sát Đây là lần thứ hai bị cáo Trịnh Xuân Thanh ra Tòa về tội “Tham ô tài sản”. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh từng giữ những chức vụ cao, hiểu biết về luật pháp, song vẫn cố tình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Ngày 3/2, sau khi lắng nghe các quan điểm đối đáp giữa Viện Kiểm sát và luật sư, Hội đồng xét xử tuyên bố kết thúc phần tranh luận. Trước khi chuyển sang phần nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng. Là người nói cuối cùng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh mong muốn Hội đồng xét xử xem xét thật kỹ lưỡng khi quyết định mức án cho bị cáo.
Sáng thứ hai (5/2), Hội đồng xét xử sẽ tuyên án.